Xây dựng pháp luật về biên giới để bảo vệ Tổ quốc
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trịnh Tường, BÐBP Lào Cai vượt suối đưa học sinh đến trường.
Thành tựu qua hơn 30 năm đổi mới đã mang lại cho đất nước ta cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Song những biến đổi của thế giới và khu vực, cùng sự tác động cạnh tranh địa chính trị của các nước lớn đã tạo nên các hình thái chiến tranh mới liên quan đến lực lượng BÐBP và công tác biên phòng như chiến tranh biên giới, biển, đảo, chiến tranh xâm lược. Từ tầm quan trọng nêu trên, năm 2018, Quân ủy Trung ương đã trình Bộ Chính trị thông qua ba chiến lược là: Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự và Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Ngoài ra, tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh BÐBP từ Trung ương đến địa phương, tất cả các tỉnh, thành phố đều có văn bản đề nghị sớm xây dựng, ban hành Luật BPVN.
Việc xây dựng Luật BPVN nhằm thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Ðảng theo tinh thần của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách nhà nước về nhiệm vụ biên phòng; đồng thời là cơ sở để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành vào cuộc thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, với sự ra đời của Luật BPVN sẽ củng cố thêm thế trận biên phòng toàn dân, tạo thành một hệ thống các thế trận để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tâm huyết, trách nhiệm và cầu thị trong suốt quá trình chỉ đạo, tham gia soạn thảo Luật BPVN, Trung tướng, PGS,TS Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BÐBP cho biết, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của 19 bộ, ngành, UBND 44 tỉnh, thành phố biên giới trong cả nước để qua đó hoàn chỉnh dự thảo luật, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và yêu cầu xây dựng, bảo vệ biên giới. Ðồng thời, khảo sát, tọa đàm tại 17 tỉnh, thành phố biên giới và được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Luật BPVN gồm 7 chương, 33 điều, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không trùng lặp về nội dung với các văn bản pháp luật hiện hành.
Với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam”, mặc dù còn có ý kiến chưa thật sự đồng thuận, song đa số các đại biểu QH và cử tri nhất trí bởi các nội dung và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nêu trên không trùng với Luật Biên giới quốc gia. Theo đó, Luật Biên giới quốc gia quy định trực tiếp đến các lĩnh vực về biên giới quốc gia còn dự án Luật BPVN quy định tất cả các vấn đề có liên quan đến biên phòng, với công tác biên phòng là một bộ phận của công tác quốc phòng, thực thi nhiệm vụ biên phòng phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân.
Là người gắn bó, am hiểu về biên giới và BÐBP, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội khẳng định: “Chức trách, nhiệm vụ của BÐBP không thể bỏ qua ba nhiệm vụ lớn đó là, xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Hiện nay, đời sống nhân dân biên giới còn khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt, đội ngũ cán bộ trình độ có nơi còn hạn chế. Lực lượng BÐBP ở những địa bàn nêu trên trực tiếp tham gia hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa mù chữ, chăm sóc y tế cho người dân, xóa xóm “trắng” đảng viên… cho nên việc tham gia xây dựng biên giới quốc gia là phù hợp, giúp BÐBP phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua”. Ông Chiến cũng đề nghị, cần khẳng định rõ quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước đối với khu vực biên giới, bởi biên giới là bộ mặt quốc gia, thể hiện tiềm lực quốc gia. Nếu không chú trọng đầu tư cho biên giới, sẽ hạn chế vấn đề lưu thông hàng hóa qua lại biên giới, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước. Ðồng thời, có chính sách thỏa đáng cho cán bộ, chiến sĩ BÐBP, để xứng đáng với sự hy sinh, gian khổ bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Ðối với những tranh luận về quyền hạn của BÐBP, ngay trong Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BÐBP trong tình hình mới đã xác định nhiệm vụ của BÐBP: “Kiểm soát việc xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và đường qua lại biên giới, ngăn chặn và xử lý các hành động vi phạm pháp luật về biên giới”. Các văn bản pháp luật hiện hành đều quy định, BÐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện và phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu biên giới để bảo đảm an ninh và việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phương tiện tại khu vực kiểm tra hải quan do lực lượng hải quan chủ trì thực hiện, BÐBP phối hợp. Trong đó, phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan được quy định chi tiết từ Ðiều 3 đến Ðiều 9 Nghị định số 01/2015/NÐ-CP ngày 2-1-2015 của Chính phủ.
Song trong thực tiễn cho thấy, khu vực kiểm tra hải quan, lực lượng hải quan chỉ kiểm tra hàng hóa. Do đó, nếu BÐBP không kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu thì dễ bỏ lọt tội phạm, tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; BÐBP kiểm tra phương tiện nhằm kịp thời phát hiện vũ khí, chất nổ, văn hóa phẩm đồi trụy, tài liệu phản động, ma túy… có thể được cất giấu trên phương tiện. Do đó, quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và cửa khẩu của BÐBP đã được các nghị quyết của Ðảng, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định và không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của hải quan.
Mặc dù không góp ý cụ thể vào dự thảo Luật BPVN, nhưng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thông qua phần phát biểu của mình đã ghi nhận: “Dù đất nước ta đến hôm nay đã hơn 70 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới ngoài cộng đồng, nhưng ở các cửa ngõ, đường mòn, lối mở vẫn thấy anh em BÐBP vất vả canh gác. Vừa rồi, có nước công bố không có người mắc dịch bệnh, nhưng chúng ta vẫn phát hiện ra một ca nhiễm qua đường bộ từ bên kia biên giới về Việt Nam. Ðiều đó cho thấy, lực lượng y tế, BÐBP vẫn làm việc rất trách nhiệm, tích cực, canh gác, bảo vệ từng đường mòn, lối mở, bịt từng kẽ hở”. Lời động viên của bậc chân tu đã làm ấm lòng hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm chịu đựng gian khổ, chốt chặn tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở nơi biên giới để giữ cho hậu phương yên bình, trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và thời tiết rất khắc nghiệt.
Phải khẳng định rằng, trong mọi giai đoạn cách mạng, những cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh luôn nêu cao tinh thần và phương châm “Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, để nỗ lực khắc phục khó khăn, tự hoàn thiện “giỏi một việc, biết nhiều việc”, tham gia chủ động, xung kích trên mọi mặt trận: vận động quần chúng; phòng, chống ma túy và tội phạm; bảo vệ an ninh – chính trị khu vực biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, đối ngoại biên giới, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn… giữ vững từng tấc đất thiêng liêng và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước. Và một trong những “kim chỉ nam”, “bệ phóng” làm nên hàng nghìn chiến công của lực lượng BÐBP chính là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về bảo vệ biên giới, tạo hành lang pháp lý vững chắc như Luật Biên giới quốc gia và sắp tới là Luật BPVN. Sự quan tâm, tin tưởng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã và sẽ mãi là động lực, niềm tin để lực lượng BÐBP thực hiện tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, để trong mọi tình huống, hoàn cảnh công tác bảo vệ Tổ quốc không bất ngờ, bị động.
Ý kiến ()