Xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp
LSO-Không chỉ xây dựng nông thôn giàu, mạnh, hạ tầng hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà nông thôn mới còn hướng tới một khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới vẫn được coi là rất khó thực hiện.
Đoàn viên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh vệ sinh môi trường tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn |
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất của Lạng Sơn là tiêu chí số 17 về môi trường nông thôn. Với đặc thù của tỉnh miền núi biên giới, môi trường nông thôn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tập quán sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi. Đối với trồng trọt, sức ép đối với môi trường là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách, không có điểm thu gom vỏ bao bì các loại hóa chất trong trồng trọt. Đối với chăn nuôi là tập quán xây dựng chuồng trại không đảm bảo vệ sinh, ngay gần nơi sinh hoạt, việc xây dựng các hầm chứa bi ô ga mặc dù đã được các cấp quan tâm, nhưng chuyển biến trong ý thức của nhân dân còn chậm. Thêm nữa, một bộ phận người dân nông thôn chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngoài ra số lượng hộ dân được sử dụng nước sạch, chất lượng của các phương tiện vệ sinh ở hộ gia đình, nhà trường và nơi công cộng còn thấp. Theo thống kê, Lạng Sơn có khoảng 700 giếng khoan, 28.000 giếng đào, 2.000 bể chứa nước và gần 500 công trình cấp nước tập trung, cung cấp cho trên 70% dân số nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong đó chỉ có hơn 35% được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện nay, tại một số vùng nông thôn trong tỉnh, nguồn nước người dân sử dụng sinh hoạt chủ yếu là ở ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt và chỉ có khoảng 50% được thu gom. Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua, ngoài những chương trình dự án về nước sạch, vệ sinh môi trường, các đoàn thể đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động bằng những mô hình thiết thực. Từ tháng 7/2012, Đoàn thanh niên xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã thí điểm thành lập các đội xung kích bảo vệ môi trường với nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con về bảo vệ môi trường, ra quân vệ sinh đường làng ngõ xóm; tư vấn, hỗ trợ người dân di dời chuồng trại ra xa nơi ở; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo đó, định kỳ mỗi tuần một lần, đoàn viên thanh niên ra quân thu gom rác thải đường làng ngõ xóm và các khu dân cư. Đến nay, đội xung kích đã hỗ trợ mỗi thôn 1- 2 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại; tổ chức trên 20 buổi vệ sinh môi trường, dọn đất đá sạt lở với trên 800 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Qua đó, đã thu gom được gần 10m3 rác thải, thu gom trên 500 chai thủy tinh, phát quang hơn 5.000 m đường. Để người dân không vứt rác bừa bãi, tiện cho việc thu gom, Đội tình nguyện còn trang bị 24 thùng rác, 5 xe thu gom rác tại các khu dân cư. Không chỉ ở Văn Quan, mà mô hình này đang được nhân rộng ra các địa phương khác như ở xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc.
Ở thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, sau khi cơ bản bê tông hóa các tuyến đường nội thôn, nhân dân trong thôn bắt đầu thành lập các đội tự quản, một mặt để bảo vệ, duy tu, sửa chữa đường làng, ngõ xóm, mặt khác từng nhóm hộ gia đình bắt đầu liên kết để vệ sinh môi trường hàng ngày, hàng tuần. Toàn thôn thì mỗi tháng tập trung tổng vệ sinh một lần. Chính vì vậy, đường trong thôn không chỉ đẹp mà còn rất sạch. Qua các mô hình trên, có thể thấy rằng các cấp, ngành, và nhân dân các địa phương đã, đang có những bước đi phù hợp, xây dựng được những mô hình điểm làm tiền đề để nhân rộng thành đại trà ở nông thôn, miền núi Xứ Lạng.
Ý kiến ()