Xây dựng nông thôn mới: Vượt khó ở xã đặc biệt khó khăn
– Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từ đầu năm 2022 đến nay, với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức của người dân, trên địa bàn tỉnh đã có 3 xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 1 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Theo kế hoạch, năm 2022, trên địa bàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn gồm xã: Thiện Hòa, huyện Bình Gia; Châu Sơn, huyện Đình Lập; Tam Gia, huyện Lộc Bình và Bình Phúc, huyện Văn Quan.
Người dân thôn Thống Nhất, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập chung sức dọn vệ sinh môi trường
Không những vậy, việc triển khai xây dựng NTM năm 2022 trên địa bàn tỉnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn vốn để thực hiện chương trình từ trung ương phân bổ chậm; bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều tiêu chí khó hơn, dẫn tới bình quân mỗi xã đặc biệt khó khăn đạt 5/19 tiêu chí, giảm 6 tiêu chí/xã so với bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn trước…
Xác định rõ những khó khăn đó, để hoàn thành mục tiêu đưa 4 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM năm 2022, các cấp, ngành liên quan đã triển khai các giải pháp cụ thể. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong khi chưa có nguồn vốn trung ương phân bổ, UBND tỉnh đã chủ động cân đối, lồng ghép nguồn lực để tạm ứng 100 tỷ đồng cho các xã điểm NTM triển khai xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó, 4 xã điểm đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng 40 công trình hạ tầng. Cùng với đó, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã thành lập các đoàn công tác đến kiểm tra trực tiếp tiến độ thực hiện tại các xã điểm. Từ đó, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với UBND 4 xã tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động sự chung tay, góp sức của người dân để cùng thực hiện các tiêu chí. Ông Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn, huyện Đình Lập cho biết: Năm 2022, trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng 9 công trình hạ tầng NTM. Để có mặt bằng thực hiện các công trình, UBND xã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng thôn, từng gia đình. Qua đó, người dân đã hiến, đồng ý thu hồi đất, giải phóng mặt bằng với diện tích 3.400 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng. Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp công sức, tiền của để thực hiện các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, môi trường… Đến tháng 10/2022, xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và là một trong những xã hoàn thành các tiêu chí NTM sớm nhất trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Tương tự Châu Sơn, người dân tại các xã điểm đặc biệt khó khăn khác cũng tích cực đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để cùng chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, người dân 4 xã điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã hiến, đồng ý thu hồi đất với diện tích 14.000 m2; đóng góp trên 2 tỷ đồng và 12.500 công lao động để chung sức thực hiện các tiêu chí NTM.
Từ sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân, việc triển khai xây dựng NTM ở 4 xã điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, 3 xã: Thiện Hòa, Bình Phúc, Châu Sơn đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022; xã Tam Gia đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí và dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn trong quý I/2023.
Ý kiến ()