Đối với 5 xã điểm của tỉnh, thời gian đầu, ngay cả sử dụng số vốn phân bổ cho phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng còn lúng túng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, công tác triển khai đã bắt đầu vào guồng, tổ chức bộ máy đến tận cấp thôn, chọn thôn điểm… và từng bước thể hiện được sự khác biệt của “điểm” để các địa phương khác học tập. Nhận thức về xây dựng nông thôn mới của nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt, phong trào làm giao thông, thủy lợi, hiến đất xây dựng công trình công cộng, phát triển sản xuất…ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, từng bước khơi thông và phát huy được sức mạnh nội lực trong xây dựng nông thôn mới.
LSO-Nhìn lại chặng đường đã đi, kể từ hội nghị triển khai xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho đến nay chưa đầy 1 năm, những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lần lượt lộ diện nhưng rồi cũng nhanh chóng được giải quyết, khắc phục.
Giờ đây, xây dựng nông thôn mới đối với Xứ Lạng chẳng còn mơ hồ như trước. Bước đi đã vững hơn, con đường xây dựng nông thôn mới cũng rõ ràng hơn. Kết thúc năm 2011, nhiệm vụ lập quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới cho 70% số xã trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành. Đây là điểm khởi đầu quan trọng, tạo điều kiện cho hàng loạt nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo được triển khai thông suốt. Chặng đường đầu đầy gian nan ấy ghi dấu sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn tham quan, học tập
kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang
Cách đây chỉ hơn năm, nghe, xem các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về nông thôn mới tại 11 xã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn thực hiện thí điểm, người Xứ Lạng vẫn ngỡ như chuyện ấy ở đâu xa lắm. Bởi là một tỉnh nghèo nhìn con số đầu tư gần trăm tỷ đồng cho một xã, sức dân đóng góp hàng chục tỷ đồng, rồi thì các chỉ tiêu của nông thôn mới cứ xa, cứ cao vời vợi thế, ai dám nghĩ rồi có lúc mình sẽ bắt tay vào thực hiện? Trung tuần tháng 2/2011, Lạng Sơn tổ chức hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, khó khăn đầu tiên và cũng là lớn nhất bắt đầu lộ diện. Đó là: quyết tâm và nhận thức chung về nông thôn mới.
Xem bản kế hoạch, lộ trình mà Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh ban hành, nhiều đại biểu vẫn tỏ ra e dè, hồ nghi về tính khả thi. Nhiều người lại hiểu đây là một dự án đầu tư, mà trong khi ấy số vốn phân bổ của Trung ương cho chương trình cũng chỉ già 28 tỷ đồng, số này nếu chỉ dùng riêng cho công tác quy hoạch thì cũng chẳng khác nào muối bỏ bể. Trong khi đó, một số địa phương vội vã kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện mà không xét đến phạm vi rộng lớn, tính chất quan trọng của chương trình, giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, trong khi đó yêu cầu Trưởng ban phải là Chủ tịch UBND các cấp.
| | |
Giống thanh Long mới tại Công ty Giống cây trồng Đông Bắc phục vụ nông dân phát triển kinh tế vườn đồi | Nhân dân Tràng Định phát triển giao thông nông thôn | Học sinh trường THPT Bình Gia hăng hái tham gia vệ sinh môi trường nông thôn |
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới khi ấy đã thẳng thắn chỉ ra: khó khăn nhất của Lạng Sơn là còn thiếu quyết tâm, ngay cả trong đội ngũ lãnh đạo từ huyện tới cơ sở. Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo: xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án mà là cuộc vận động toàn diện, phát huy sức mạnh nội lực, đây là nhiệm vụ và quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lạng Sơn, do vậy phải thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo…để nâng cao nhận thức chung về xây dựng nông thôn mới. Ngay sau hội nghị triển khai cấp tỉnh, từ cấp huyện tới cơ sở đã đồng loạt tổ chức các hội nghị triển khai và kiện toàn lại Ban chỉ đạo theo đúng quy định.
Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai tại các tỉnh bạn và mở các lớp tập huấn chuyên đề về tuyên truyền, vận động, lập quy hoạch, huy động các nguồn lực…Trong khi đó Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng nâng số thành viên thường trực lên con số 9, điều chỉnh lại kế hoạch cho sát với kế hoạch chung của trung ương, đồng thời phân công từng thành viên trong Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn cụ thể. Ngay sau đó, để “gỡ rối” cho công tác quy hoạch, hội nghị chuyên đề về quy hoạch nông thôn mới được tổ chức với sự có mặt của đầy đủ các đơn vị tư vấn và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của 11 huyện thành phố. Hội nghị đã cơ bản giải quyết những lúng túng về vốn thực hiện, đánh tan được sức ì, tâm lý ỷ lại đơn vị tư vấn.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã phải tích cực tham gia vào công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án, không được giao khoán toàn bộ cho các đơn vị tư vấn.
|
Đặc sản hồng Bảo Lâm huyện Cao Lộc – Ảnh: La Nam |
Đối với 5 xã điểm của tỉnh, thời gian đầu, ngay cả sử dụng số vốn phân bổ cho phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng còn lúng túng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, công tác triển khai đã bắt đầu vào guồng, tổ chức bộ máy đến tận cấp thôn, chọn thôn điểm… và từng bước thể hiện được sự khác biệt của “điểm” để các địa phương khác học tập. Nhận thức về xây dựng nông thôn mới của nhân dân đã có những chuyển biến rõ rệt, phong trào làm giao thông, thủy lợi, hiến đất xây dựng công trình công cộng, phát triển sản xuất…ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, từng bước khơi thông và phát huy được sức mạnh nội lực trong xây dựng nông thôn mới.
Những khó khăn ban đầu đã dần qua đi, bước sang năm 2012, khi công tác tổ chức triển khai đã vào guồng, quy hoạch và đề án đã lập xong, xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn đã trở nên cụ thể hơn, rõ nét hơn. Vững vàng qua chặng đường khó khăn, nông dân Xứ Lạng đã và đang hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ mới trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, vững tin, đồng lòng xây dựng nông thôn Xứ Lạng ngày một đẹp, giàu.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()