Xây dựng nông thôn mới thật sự trở thành một phong trào thi đua sâu rộng
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, sáng 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” được trình bày tại phiên họp cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng nông thôn mới đã được ban hành, từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhiều chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã được triển khai. Các bộ, ngành Trung ương đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nhiều địa phương đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đến tháng 3/2016, cả nước có 1.761 xã (chiếm 19,7% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, có 1.223 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 3.355 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 2.270 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến tháng 9/2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.
Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị ngành trồng trọt tăng năm 2013 là 3%, năm 2014 là 3,2%, năm 2015 là 1,6%; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao; thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt năm 2014 đạt khoảng 78,7 triệu đồng, năm 2015 đạt 82,5 triệu đồng/ha.
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các đại biểu ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; khẳng định những kết quả đạt được là do sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; công tác triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; công tác tuyên truyền, vận động đã đi vào thực chất hơn, tạo sự đồng thuận của người dân. Nhiều cơ chế, chính sách ngày càng cụ thể hơn, nhất là chính sách hỗ trợ mô hình cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn… Xây dựng nông thôn mới đã thật sự trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân.
“Xây dựng nông thôn mới đã tạo ra không khí thi đua vô cùng sôi nổi; sự hưởng ứng, đóng góp rộng khắp của các tầng lớp nhân dân và đây thực sự là một phong trào của toàn dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Cùng với sự ghi nhận, khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, phân tích nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện Chương trình, đó là việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền; quá trình xây dựng nông thôn mới vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương khi mới ban hành còn có những điểm không phù hợp; nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Chương trình còn chưa bảo đảm; có địa phương quá nóng vội trong triển khai thực hiện dẫn đến nợ đọng lớn; một số địa phương chưa chủ động, còn lúng túng trong việc xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Chương trình.
Từ sự phân tích nêu trên, ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành cơ chế, chính sách đồng bộ để chương trình được triển khai hiệu quả, thiết thực.
Trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy đề nghị trong thực hiện Chương trình, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần hết sức quan tâm đến quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội; hỗ trợ người dân về vốn cho đầu tư phát triển sản xuất; có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào nông nghiệp nông thôn cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất xuất, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng ngày càng hiệu quả và tích cực hơn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vận động sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về Chương trình để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Quan tâm hơn nữa đến củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế…
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()