LSO-Đường đến Khau Phạ dốc cao như dựng đứng. Nom xa chẳng khác nào sợi dây căng giữa trời. Cái tên Khau Phạ chẳng biết có phải bắt nguồn từ con dốc đó không? Cách đây 3 năm tôi đã đến nơi này, nhưng lúc đó là đi bộ theo đường mòn, lối đó cách trung tâm xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) xấp xỉ 10km. Lần này ông Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Quốc Khợ bảo tôi: Nhà báo đi đường mới xem sao, ô tô đến tận trung tâm thôn rồi đấy.Khau Phạ đổi mới từng ngàyĐược lời ông Bí thư, tôi như mở cờ trong bụng. Thú thực nghĩ tới cái cảnh đi bộ, leo đồi quãng đường gần 10 cây số cũng thấy ớn. Gần thì gần hơn so với đường vòng thật, nhưng mỏi chân, chùn gối phải hơn 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Tới Khau Phạ còn một con đường khác, đường này từ trung tâm xã phải vòng ngược trở ra, theo quốc lộ 1B qua nhà máy xi măng Hồng Phong rồi rẽ phải theo con đường lên Trạm vi ba Lũng Uất. Lên được non nửa đoạn đường...
LSO-Đường đến Khau Phạ dốc cao như dựng đứng. Nom xa chẳng khác nào sợi dây căng giữa trời. Cái tên Khau Phạ chẳng biết có phải bắt nguồn từ con dốc đó không? Cách đây 3 năm tôi đã đến nơi này, nhưng lúc đó là đi bộ theo đường mòn, lối đó cách trung tâm xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) xấp xỉ 10km. Lần này ông Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Quốc Khợ bảo tôi: Nhà báo đi đường mới xem sao, ô tô đến tận trung tâm thôn rồi đấy.
|
Khau Phạ đổi mới từng ngày |
Được lời ông Bí thư, tôi như mở cờ trong bụng. Thú thực nghĩ tới cái cảnh đi bộ, leo đồi quãng đường gần 10 cây số cũng thấy ớn. Gần thì gần hơn so với đường vòng thật, nhưng mỏi chân, chùn gối phải hơn 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Tới Khau Phạ còn một con đường khác, đường này từ trung tâm xã phải vòng ngược trở ra, theo quốc lộ 1B qua nhà máy xi măng Hồng Phong rồi rẽ phải theo con đường lên Trạm vi ba Lũng Uất. Lên được non nửa đoạn đường này thì lối vào Khau Phạ là con đường đất bé tẹo bên tay trái. Đi theo đường này, từ xã đến thôn mất hơn 20 km. Đường sá khó khăn như vậy, nên Khau Phạ đứng đầu toàn xã về tỉ lệ hộ nghèo và cũng bởi cách trở như vậy nên điện chưa thể giăng được tới thôn. Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, trao đổi về công tác phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đồng chí Bí thư huyện ủy Văn Lãng cũng đã rất trăn trở đối với Khau Phạ.
Đang phân vân đứng dưới dốc chưa dám lên ngay, bởi nhìn con đường hun hun vắt vẻo qua sườn đồi, thấy cũng hãi. Vừa may chiếc xe vận tải Cửu Long đang đi tới, chuẩn bị ngược dốc. Trên xe đầy ăm ắp gạch bê tông, tài xế bảo chở cho người dân ở Khau Phạ để làm nhà, vậy là tôi được đi nhờ. Xe lắc lư leo dốc, còn tôi thì co rúm người vì… sợ. Anh tài xế cười vang: đường vào Khau Phạ giờ to rồi anh ạ, xe em chở vật liệu vào luôn, trời mưa thì hơi khó, nhưng nắng thế này thì đi vô tư, Khau Phạ không khó như xưa nữa.
Quả thực, vừa tới lưng dốc, trước mắt tôi là đường đất rộng thênh. Chỉ quãng chục phút, xe gạch đã vào tới tận trung tâm xã. Anh Bí thư Chi bộ thôn Luân Văn Póm đón tôi, giọng hào sảng: cậu thấy khác nhiều không? Con đường này hoàn toàn do người dân Khau Phạ làm đấy, mỗi năm một ít, 10 năm thì hoàn thành. Để có hơn 2km đường ô tô, 23 hộ dân ở đây đã kiên trì, không một phương tiện cơ giới nào trợ sức, họ dùng cuốc, xẻng trong 10 năm đằng đẵng. Bí thư Póm kể: mình phải hy sinh trước, đường làm qua rừng, qua ruộng bậc thang, mình hiến trước, rồi vận động các đảng viên cùng làm, nhân dân thấy thế cũng đồng lòng, quyết tâm, thế mới xong được đấy, bây giờ tiếp tục cùng với xi măng của nhà nước, Khau Phạ sẽ dần dần bê tông hóa hết con đường này.
Luân Văn Chung, con trai của Bí thư Póm nhoay nhoáy bên bộ âm li, loa thùng mới tinh. Bởi điều kiện quá khó khăn, nên trước kia cả thôn có mỗi Chung kiên trì học được hết lớp 12. Chung bảo: giờ em đi làm công nhân than ở Quảng Ninh, có điều kiện sắm vài thứ đồ điện để gia đình giải trí, trước kia có tiền mua thì cũng chẳng dùng được. Năm 2010, là năm “đại cát” đối với Khau Phạ, con đường vừa xong, huyện lại hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để kéo điện cho Khau Phạ. Chừng ấy tiền của nhà nước thì chưa đủ, cả thôn huy động mỗi người đóng góp 2 triệu đồng tiền mặt và góp công sức cùng với đơn vị thi công vận chuyển, dựng cột, kéo dây… vài tháng trời cả thôn rộn rã. Người Khau Phạ ai cũng nhớ như in lúc đóng điện là 5 giờ chiều 26/6/2010 (âm lịch). Ngày ấy như là một mốc lịch sử đối với mảnh đất này.
Bí thư Póm cho biết: từ khi có đường, tư thương vào tận trong thôn mua hồi, mua lợn; có điện, bà con được tiếp cận với kiến thức mới, đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng cao, cánh cửa thoát nghèo đã mở ra với Khau Phạ rồi. Rảo bước trên con đường mới thênh thang, nắng thu dát vàng trên những thửa ruộng bậc thang ăm ắp nước, niềm vui khôn tả của Khau Phạ như lan truyền sang tôi. Bằng sức mạnh nội lực, nhân dân nơi đây đã và đang tiếp tục hướng tới những mục tiêu khác, nông thôn mới đang hiển hiện trên vùng đất khó năm xưa.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()