Xây dựng nông thôn mới: Phát huy nguồn lực nội sinh
LSO-Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp tạo ra nguồn lực nội sinh luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Lạng Sơn. Kết hợp sức mạnh nội tại và tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài mới có thể tạo ra nguồn lực đủ lớn cho quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phát triển chăn nuôi ở xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình |
Xã Đình Lập, huyện Đình Lập là một trong 35 xã được chọn để tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới với mục tiêu cơ bản hoàn thành chương trình trong năm 2015. Tiếng là xã điểm nhưng trong số 18 thôn bản của toàn xã, thì có tới 6 thôn đặc biệt khó khăn. Có những thôn cách trung tâm xã gần 20km, chưa có đường ô tô. Phác thảo vài nét để thấy rằng triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp như vậy, xã Đình Lập gần như không thể thực hiện được theo kế hoạch đã đề ra.
Quán triệt phương châm chỉ đạo của tỉnh, không nóng vội và không buông xuôi, trong bối cảnh khó khăn, Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Bà Sầm Thị Vui, Chủ tịch UBND xã Đình Lập cho biết: tuy còn nhiều khó khăn, nhưng khi hiểu rõ về chương trình nông thôn mới, nhân dân trên địa bàn đều hăng hái hưởng ứng, tham gia. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, nhân dân trong toàn xã đã đóng góp được hơn 1,2 tỷ đồng, kết hợp với các nguồn đầu tư của nhà nước để củng cố hạ tầng, phát triển sản xuất. Điều đặc biệt là với sự năng động của mình, Ban chỉ đạo nông thôn mới xã đã bước đầu kêu gọi được 1 số doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia ủng hộ phong trào với tổng số tiền 120 triệu đồng. Đến thời điểm này xã Đình Lập mới chỉ đạt được 5/19 tiêu chí, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của toàn xã. Như đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: thành công không phải tính đầu tiêu chí, mà thành công là huy động được sự tham gia của toàn xã hội, nông thôn mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân xây dựng.
Mặc dù 35 xã được chọn triển khai thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 đều là những địa phương tương đối khá của các huyện. Thế nhưng, với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, không riêng gì xã Đình Lập mà hầu hết các xã điểm đều có xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Thế nhưng qua 3 năm triển khai thực hiện, nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ với phạm vi ảnh hưởng sâu, rộng. Thực tế trước đây, trên địa bàn tỉnh đã có những gia đình hiến đất và xuất hiện cộng đồng tiêu biểu góp sức người, sức của xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những hành động đó nhanh chóng được nhân rộng và trở thành phong trào rộng khắp.
Trong 3 năm qua, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ gia đình đã hiến gần 300 nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, trường học, sân chơi thể thao… Cũng trong khoảng thời gian này, nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh đã huy động được gần 300 tỷ đồng cùng với các nguồn lưc từ ngân sách, cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Theo đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tổng nhu cầu vốn cần cho 104 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 lên đến trên 11 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn và ước tính nguồn lực huy động từ nhân dân là hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Để cụ thể hóa trong việc huy động nguồn lực tổng hợp, vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á- ADB tổ chức hội thảo vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Tại cuộc hội thảo này đã có khá nhiều các tổ chức quốc tế quan tâm, tìm hiểu về tiềm năng nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn để có hướng đầu tư, hỗ trợ. Tuy nhiên các ý kiến đều cho rằng đây chỉ là nguồn hỗ trợ ban đầu, được coi là “vốn mồi”, như đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu ấy, các địa phương cần tiếp tục tổ chức vận động, tuyên truyền nhân dân, tranh thủ phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nhưng phải phát huy sức mạnh từ nội lực, tạo nên nguồn lực nội sinh để xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()