LSO- Muốn xây dựng nông thôn mới thành công, yếu tố người dân và nền tảng kinh tế - xã hội địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Là xã vùng II của huyện Lộc Bình và là 1 trong 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới nhưng Xuân Lễ vẫn loay hoay với chương trình này, bởi khó khăn ở khâu huy động sức dân và nền tảng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Nông dân xã Xuân Lễ (Lộc Bình) cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệpTrong đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Xuân Lễ đến năm 2020, có 2 nhiệm vụ cơ bản không hẳn liên quan đến kinh phí đầu tư của Nhà nước mà liên quan trực tiếp đến nền tảng kinh tế - xã hội địa phương và sự góp sức của người dân, đó là quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Xuân Lễ sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên...
LSO- Muốn xây dựng nông thôn mới thành công, yếu tố người dân và nền tảng kinh tế – xã hội địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng. Là xã vùng II của huyện Lộc Bình và là 1 trong 6 xã điểm xây dựng nông thôn mới nhưng Xuân Lễ vẫn loay hoay với chương trình này, bởi khó khăn ở khâu huy động sức dân và nền tảng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nông dân xã Xuân Lễ (Lộc Bình) cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Trong đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Xuân Lễ đến năm 2020, có 2 nhiệm vụ cơ bản không hẳn liên quan đến kinh phí đầu tư của Nhà nước mà liên quan trực tiếp đến nền tảng kinh tế – xã hội địa phương và sự góp sức của người dân, đó là quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Xuân Lễ sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; nông sản đảm bảo chất lượng cao, là sản phẩm hàng hoá mang tính cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể vào năm 2020, giá trị sản xuất từ trồng trọt của xã ước đạt 9,78 tỷ đồng, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 12%/năm. Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bê tông hoặc láng nhựa 10.350m đường liên xã, liên thôn, nội đồng; xây mới 9.300m mương thuỷ lợi.
Ông Hoàng Văn Chuyên – Chủ tịch UBND xã cho biết, xã rất băn khoăn khi thực hiện 2 nhiệm vụ trên, bởi nó liên quan đến nội lực địa phương. Ông Chuyên phân tích, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn đòi hỏi được thực hiện ở địa phương có nền nông nghiệp phát triển, địa hình bằng phẳng tạo thuận lợi trong nuôi, trồng các loại cây, con nhưng ở Xuân Lễ do điều kiện địa hình đặc thù, chỉ có 3 thôn diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, chiếm 23,4% diện tích đất tự nhiên trong khi đó lại khá phân tán, mặt bằng không đồng đều, vì vậy, việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung (7 vùng ở 3 thôn) là không khả thi. Bên cạnh đó, nhận thức của nhân dân hạn chế nên tư duy phát triển nông nghiệp của người dân còn chậm tiến, thể hiện ở chỗ sản xuất theo phong trào, tự phát, manh mún, mang tính tự cung tự cấp. So sánh về thu nhập từ sản xuất nông nghiệp với bà con các xã cùng tuyến như Xuân Mãn, Bằng Khánh, Đồng Bục thì Xuân Lễ còn thấp hơn từ 1 – 3 triệu đồng/năm. Trong xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật lại gặp khó khăn nhiều hơn, bởi nó trực tiếp liên quan đến nhận thức và hành động của dân. Để xây dựng hoàn thiện 2.500m đường liên xã, 5.350m đường trục chính vào các thôn, 2.500m đường nội đồng và 9.300m mương phải huy động kinh phí, đất đai của nhiều hộ dân. Bởi kinh phí để thực hiện các hạng mục này chỉ có 40% do Nhà nước đầu tư còn lại dân đóng góp, trong khi dân cư ở xã ít và sống thưa thớt chỉ có 194 hộ với 892 nhân khẩu, 93,2% số hộ sản xuất nông nghiệp nên nói về đóng góp kinh phí, sức lao động để xây dựng được khối lượng công trình trên là rất khó. Thêm nữa, mỗi lần tổ chức họp thôn triển khai đồ án xây dựng nông thôn mới, chỉ có khoảng 40% số hộ tham gia, vì lao động chính đi nơi khác kiếm sống chỉ còn người già và trẻ em ở lại, vì vậy, khi cần bàn bạc, triển khai một chủ trương, chính sách đến người dân không được triệt để.
Theo lãnh đạo xã Xuân Lễ, để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới trên địa bàn phải tính đến phương án cho người dân đóng góp dần kinh phí trong thời gian nhất định hoặc có sự quan tâm nhiều hơn từ cấp trên. Về phía xã, huy động mọi tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân để họ nâng cao nhận thức, từ đó chủ động chung tay xây dựng nông thôn mới bằng cách tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khai thác các nguồn vật tư có sẵn ở địa phương như cát sỏi, huy động lực lượng và phương tiện xây dựng các công trình cộng đồng.
Minh Đức - Lâm Như
Ý kiến ()