Xây dựng nông thôn mới ở xã điểm: Tập trung thực hiện tiêu chí giao thông
– Từ đầu năm 2023 đến nay, việc triển khai thực hiện tiêu chí giao thông ở một số xã điểm nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm. Hiện nay đang là thời điểm “vàng” để làm đường. Chính vì vậy, các xã điểm đang dồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí này.
Người dân xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định chung sức làm đường GTNT
Theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh, xã đạt tiêu chí giao thông cần đạt 4 chỉ tiêu gồm: tỷ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ đường thôn được cứng hóa từ 80% trở lên; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện từ 70%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện từ 60% trở lên.
Qua 9 tháng đầu năm 2023, với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự chung sức của người dân, việc triển khai tiêu chí giao thông ở một số xã điểm xây dựng NTM đã đạt được kết quả nhất định. Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, tính đến ngày 25/9/2023, trong 10 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023 đã có xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng và xã Thanh Long, huyện Văn Lãng đạt tiêu chí giao thông; 5/10 xã đạt chỉ tiêu đường trục xã; 4/10 xã đạt chỉ tiêu đường trục thôn; 4/10 xã đạt chỉ tiêu đường ngõ xóm; 3/10 xã đạt chỉ tiêu đường nội đồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song trên thực tế, số xã điểm chưa đạt tiêu chí còn nhiều, khối lượng công việc cần phải thực hiện lớn. Điển hình như xã Lâm Ca, huyện Đình Lập cần cứng hóa thêm 14,1 km; xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc cần cứng hóa 11 km; xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định cần cứng hóa 5 km đường trục xã. Bên cạnh đó, tỷ lệ cứng hóa đường thôn, ngõ xóm ở một số xã điểm đạt thấp với tỷ lệ đạt hơn 40%…
Theo tìm hiểu thực tế ở các xã điểm NTM, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ cứng hóa đường giao thông, đặc biệt đường xã đạt thấp là do 9 tháng đầu năm 2023, thời tiết mưa nhiều dẫn tới việc thi công khó khăn; việc huy động sự chung sức của người dân ở một số xã còn hạn chế; thời điểm đầu năm, nguồn xi măng hỗ trợ của Nhà nước còn chậm; với chiều dài các tuyến đường cần cứng hóa nhiều hơn năm trước, trong đó, riêng chiều dài đường trục xã cần cứng hóa cao hơn 25% so với năm 2022.
Khối lượng công việc còn nhiều trong khi thời gian còn lại của năm còn ít, chính vì vậy thời điểm này, các huyện, xã điểm đang dồn lực để nước rút thực hiện tiêu chí. Ông Hoàng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm cho biết: Trong 4 chỉ tiêu của tiêu chí giao thông, hiện nay xã lo nhất chỉ tiêu đường trục xã, 3 chỉ tiêu còn lại đã đạt và gần đạt. Hiện trên địa bàn xã còn 5 tuyến đường trục xã với chiều dài 11 km cần cứng hóa. Để làm các tuyến đường này, ngay từ đầu năm, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiến đất (25.000 m2) để tạo mặt bằng sạch. Tuy nhiên đến nay tiến độ thực hiện khá chậm.
Trước tiến độ như vậy, chủ đầu tư đang tập trung triển khai các biện pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ. Ông Vi Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cao Lộc (chủ đầu tư dự án đường trục xã Bảo Lâm) cho biết: Nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ thực hiện các tuyến đường trục xã trên địa bàn xã Bảo Lâm bị chậm do thời tiết mưa nhiều, địa hình của xã chia cắt mạnh dẫn tới việc làm nền đường gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đơn vị đang chỉ đạo đơn vị thi công huy động 10 máy các loại và 30 lao động trên các tuyến đường. Dự kiến khoảng 20 ngày nữa sẽ hoàn thành nền đường và giữa tháng 11/2023 sẽ hoàn thành các tuyến đường trục xã.
Tương tự xã điểm Bảo Lâm, hiện nay, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định đang dồn lực để thực hiện tiêu chí giao thông. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến nay, trên địa bàn xã mới bê tông hóa được 49,42% đường trục xã; 71,4% đường trục thôn. Để đảm bảo tiến độ thực hiện tiêu chí giao thông, hiện nay, UBND xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức làm việc với nhà thầu và yêu cầu nhà thầu ngay nửa đầu tháng 10/2023 phải đưa nhân lực, máy móc vào làm nốt 1 tuyến đường trục xã dài 4,4 km. Mặt khác, UBND xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp công sức, vật liệu đối ứng; tổ chức chia thành các tổ từ 10-15 người/tổ để tổ chức làm đường thôn, ngõ xóm.
Ngoài 2 xã điểm kể trên, tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện nay, UBND các huyện, xã điểm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là yêu cầu nhà thầu huy động nguồn lực, tăng thêm gấp đôi nhân lực, máy móc, tổ chức tăng ca để đẩy nhanh tiến độ làm đường. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND xã điểm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động huy động sự chung sức của người dân cùng tham gia thực hiện tiêu chí, đặc biệt là bê tông hóa tuyến đường ngõ, xóm.
Cùng với sự khẩn trương của các huyện, thời điểm này, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành tiếp tục tăng cường kiểm tra việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có việc triển khai thực hiện các tiêu chí NTM. Cụ thể, từ đầu tháng 10/2023 đến nay, UBND tỉnh cùng các sở, ngành tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại 5 huyện (trong đó có các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2023) và dự kiến tiếp tục kiểm tra các huyện, thành phố trong thời gian tới. Thông qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo các sở, ngành nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các tiêu chí NTM nói chung, trong đó có tiêu chí giao thông. Từ đó kịp thời đôn đốc, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đoạn, tuyến phù hợp với địa hình; đưa ra phương án khắc phục sự cố sụt, lún nền đường ở một số xã…
Thời gian còn lại của năm không còn nhiều, chính vì vậy, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đến việc triển khai thực hiện tiêu chí giao thông. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 đề ra.
Ý kiến ()