Xây dựng nông thôn mới ở xã đặc biệt khó khăn: Cách làm ở Bình Gia
(LSO) – Mặc dù nhiều xã điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, song bằng những cách làm cụ thể, phù hợp, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Bình Gia đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2018, Mông Ân được chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2018, qua rà soát xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Số tiêu chí chưa đạt còn nhiều, lại đều là những tiêu chí đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian thực hiện kéo dài. Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM, ngay từ đầu năm, từ huyện đến xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện các tiêu chí.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để thực hiện tiêu chí theo kế hoạch, các cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với UBND xã Mông Ân thực hiện việc rà soát, đánh giá hiện trạng từng tiêu chí, phân tích chi tiết nguồn lực thực hiện, thời gian triển khai; chỉ đạo UBND xã hướng dẫn và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng thôn, đặc biệt là các tiêu chí do người dân thực hiện.
Bê tông hóa đường giao thông ở xã Mông Ân, huyện Bình Gia
Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động sức dân trong thực hiện. Kết quả, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, nhân dân trong xã đã đóng góp gần 700 triệu đồng, huy động trên 500 ngày công và hiến đất để làm các công trình hạ tầng như: đường giao thông, nhà văn hóa…Qua đó các tiêu chí nhanh chóng được triển khai thực hiện, hết năm 2018, Mông Ân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Hiện nay, toàn huyện có 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có 17 xã đặc biệt khó khăn và 148 thôn đặc biệt khó khăn. Ông Bùi Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Xác định xây dựng NTM tại các xã này sẽ khó khăn hơn nhiều so với các xã khác. Chính vì vậy, để thực hiện đạt các mục tiêu xây dựng NTM đề ra năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo đánh giá hiện trạng từng chỉ tiêu của mỗi tiêu chí, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc gặp phải. Qua đó, huyện tập trung chỉ đạo trọng tâm để chỉ rõ đối tượng thực hiện, nội dung thực hiện, biện pháp và thời gian thực hiện; lựa chọn những chỉ tiêu, tiêu chí cần ít vốn đầu tư nhất, có tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nhân dân và người dân có khả năng thực hiện để đăng ký hoàn thành trước.
Để triển khai thực hiện các tiêu chí, ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM, UBND huyện còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình khác để thực hiện. Cụ thể năm 2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện là gần 148 tỷ đồng để đầu tư, thực hiện các công trình trong lĩnh vực: giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế, công trình cung cấp nước sinh hoạt cho người dân…
Bên cạnh sự đầu tư nguồn lực của nhà nước, nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của để chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí NTM. Năm 2018, nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp được trên 2,5 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 900 triệu đồng, ngày công và hiện vật quy đổi trên 1,6 tỷ đồng.
Bằng nguồn lực đầu tư của nhà nước, sự chung sức của người dân, chương trình xây dựng NTM của huyện Bình Gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết thúc năm 2018, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 9,37 tiêu chí, tăng 2,17 tiêu chí/xã so với năm 2017 (số tiêu chí tăng của tỉnh năm 2018 là 1,39 tiêu chí/xã); toàn huyện có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM; 14 xã đạt từ 6 đến 10 tiêu chí và 1 xã đạt 5 tiêu chí (giảm 5 xã so với thời điểm đầu năm 2018).
Với những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm được rút ra từ những năm trước, năm 2019, huyện Bình Gia phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và các xã còn lại đạt thêm từ 1 đến 2 tiêu chí.
Ý kiến ()