Xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng
Học sinh đọc sách tại thư viện phường 5 (TP Sóc Trăng). ( Ảnh: LỮ GIÀU )Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn ở tỉnh Sóc Trăng từng bước có sự thay đổi rõ nét, hạ tầng kinh tế - xã hội dần đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra, cuộc sống nông dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chưa bền vững, chưa gắn kết giữa sản xuất với chế biến để nâng cao hiệu quả, sản xuất, kinh doanh.Trao đổi ý kiến với chúng tôi về sự phát triển nhanh chóng của hệ thống giao thông nông thôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách Nguyễn Văn Vũ cho biết: Theo phát động của địa phương về việc "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhân dân Xuân Hòa nhiệt tình ủng hộ. Có hộ không chỉ sẵn sàng đốn cây hiến đất mở đường mà còn đóng góp cả tiền của để làm đường. Điều đáng mừng là bà con hưởng ứng phong trào càng lúc càng đông hơn, giúp địa phương giải quyết được nhiều khó...
![]() Học sinh đọc sách tại thư viện phường 5 (TP Sóc Trăng). ( Ảnh: LỮ GIÀU ) |
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về sự phát triển nhanh chóng của hệ thống giao thông nông thôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách Nguyễn Văn Vũ cho biết: Theo phát động của địa phương về việc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân Xuân Hòa nhiệt tình ủng hộ. Có hộ không chỉ sẵn sàng đốn cây hiến đất mở đường mà còn đóng góp cả tiền của để làm đường. Điều đáng mừng là bà con hưởng ứng phong trào càng lúc càng đông hơn, giúp địa phương giải quyết được nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đường liên thôn ở Xuân Hòa nối liền tất cả các ấp trong xã, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi lại dễ dàng cả hai mùa mưa nắng. Những năm qua, xã vận động được gần hai tỷ đồng, làm xong 3,5 km đường, một cầu treo, ba cây cầu bê-tông. Mới đây, xã vận động và làm xong 4 km đường đổ đá. Có hộ như ông Hai Niên đóng góp hàng trăm triệu đồng để làm cầu, đường. Ông Lê Văn Tân đóng góp hơn 17 triệu đồng và vận động thêm người dân ở xã lân cận đóng góp tiền cho xã Xuân Hòa làm đường. Các ông Nguyễn Văn Phải, Lưu Văn Chiến và nhiều hộ khác ở trong xã cũng đã đóng góp hàng chục triệu đồng. Bà con cho rằng, trước kia, Nhà nước lo cho mình nhiều rồi, đã đến lúc không trông chờ ỷ lại nữa, mà phải cùng với Nhà nước xây dựng quê hương. Đây cũng là suy nghĩ chung của hầu hết bà con nông dân ở Sóc Trăng.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Phận, ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Phận kể: Trước đây, tôi được cha mẹ cho bốn công đất ruộng, làm ăn bấp bênh lắm. Dần dà, tôi mua được thêm 26 công nữa. Cũng nhờ được tham gia các lớp tập huấn, dự hội thảo, rồi chịu khó tìm tòi, học hỏi, nay tôi biết cách tuyển lọc giống lúa 504 để sạ cho 30 công ruộng của mình, năng suất đạt khoảng 12 tấn/ha/vụ. Mỗi vụ, tôi còn cung cấp từ 10 đến 15 tấn lúa giống cho nhiều bà con trong huyện. Được biết, lúa giống của ông Phận nổi tiếng là kháng rầy, kháng bệnh, cho năng suất cao. Vào mùa thu hoạch, nhà ông Phận đông vui như trảy hội. Khi bà con đến mua giống, ông còn hướng dẫn bà con cách thức canh tác để đạt hiệu quả cao. Ông Đặng Văn Chiến ở ấp Đại An, xã Thới An Hội bộc bạch, trước đây tôi chỉ có 2,5 công đất ruộng. Từ khi mua giống của ông Phận sạ và trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất, năng suất lúa của tôi tăng lên. Đến nay, tôi đã mua thêm được sáu công ruộng, ba công vườn nữa. Cuộc sống đỡ hơn trước nhiều, lo được cho một đứa con đi học đại học, ba đứa học cao đẳng. Tôi thấy, ông Phận sản xuất có hiệu quả là nhờ làm theo cách dồn điền, đổi thửa, dễ áp dụng khoa học – kỹ thuật, phòng, chống sâu bệnh tốt, chi phí sản xuất thấp. Lúa giống của ông Phận được bà con ưa chuộng là do tai nghe mắt thấy ông làm ăn có hiệu quả, giá rẻ, tiện đường vận chuyển, giống được chọn tạo phù hợp chất đất. Ông Nguyễn Văn Siêu ở ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội cùng nhiều bà con nông dân khác cũng nghĩ như ông Chiến.
Dù cây rau màu không phải là thế mạnh của huyện Kế Sách, nhưng từ khi quốc lộ Nam Sông Hậu được hình thành, chạy xe dọc theo hai bên tuyến lộ thấy các liếp rẫy khổ qua, dưa leo, dưa hấu, sắn, bắp… xanh um đua nhau ôm lấy những căn nhà tường kiên cố, khang trang, phía sau là ruộng lúa xanh mướt hoặc vườn cây ăn trái um tùm. Vùng quê Kế Sách ngày nào đang từng bước khang trang, no ấm. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách Vũ Bá Quan cho biết: Toàn huyện có 27.084 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cây ăn trái và lúa, chỉ có khoảng 1.000 ha cây màu. Gần đây, diện tích cây màu tăng nhanh, hiện có hơn 1.300 ha. Đây cũng là một trong những dấu hiệu đáng mừng về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Kế Sách. Hệ thống đê bao, thủy lợi hoàn chỉnh hơn 95%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành vùng cây ăn trái có giá trị cao như bưởi năm roi, bởi da xanh, cam sành, măng cụt; năng suất lúa đạt hơn 61 tạ/ha. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, nông dân tiêu thụ nông sản được dễ dàng hơn. Có hộ còn mua cả xe ô-tô tải vận chuyển nông sản sang các tỉnh khác để tiêu thụ.
Nhờ đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất mà giá trị sản xuất trên một ha đất nông nghiệp không ngừng tăng lên, năm 2008 là 56 triệu đồng, đến năm 2010 tăng lên 75 triệu đồng. Diện tích cây ăn trái được cải tạo và nâng cấp thành những vùng chuyên canh đặc sản tập trung, tăng dần, đến nay có hơn 26.800 ha. Công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy lợi, hệ thống lưới điện… ngày càng phát triển. Về tiêu thụ nông, lâm thủy sản trong những năm qua có bước phát triển, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, tôm đông, nấm rơm muối… ngày một tăng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tuy tăng trưởng, nhưng còn chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững, lạm phát có dấu hiệu tăng. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn xảy ra và diễn biến khá phức tạp. Tỉnh Sóc Trăng có 72 km bờ biển, nên biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gây bất lợi đến sản xuất. Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là nông dân, gây ra tình trạng một bộ phận tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Tập quán canh tác của nhiều nông dân còn lạc hậu, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; việc bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa thương hiệu chưa đáp ứng theo chuẩn mực yêu cầu trong quá trình hội nhập…
Trao đổi ý kiến về biện pháp tháo gỡ những bất cập trong nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Khởi cho biết: Muốn thực hiện tốt công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, cần phải tập trung sản xuất hàng hóa nông nghiệp với đối tượng cây trồng, vật nuôi có lợi thế hiện nay. Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao. Cơ giới hóa nông nghiệp phải tính từ khâu đầu vào đến khâu thu hoạch và phải gắn với công nghiệp chế biến. Tập trung quyết liệt hơn trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi để đáp ứng cho vùng nguyên liệu, chủ yếu là lúa, tôm và lợi thế tiềm năng khác như mía, củ hành, cá tra. Cơ cấu lại lao động, từ lao động nông nghiệp chuyển một phần sang lao động công nghiệp chế biến; chú ý đến việc làm, thu nhập để người dân có điều kiện trở thành chủ thể đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()