tle=”Xây dựng nông thôn mới ở Phú Ninh” on click=”$('#gallery_163406656_1_334030').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Xã Tam Phước, huyện Phú Ninh đang từng ngày đổi mới. Sau bảy năm tách ra khỏi thị xã Tam Kỳ, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đã có những đổi thay đáng kể. Bộ mặt nông thôn mới đang hiện rõ ở các làng quê, làm cho nhiều người đi xa lâu ngày trở về cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của vùng đất vốn thuần nông.
Dồn điền đổi thửa
Đưa chúng tôi thăm cánh đồng lúa đông xuân trải dài như một tấm thảm xanh trước trụ sở UBND xã Tam Vinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Ngọc Bằng giới thiệu: Đây là một trong những cánh đồng vừa được “dồn điền, đổi thửa” năm vừa rồi của huyện Phú Ninh. Trước đây, cánh đồng này khá manh mún, ruộng đám nhỏ, đám lớn, không bằng phẳng cho nên khó khăn trong canh tác. Từ khi thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, bờ vùng, bờ thửa dần được hình thành, đến nay việc sản xuất của người dân khá thuận lợi.
Như để giúp chúng tôi hiểu rõ thêm quá trình xây dựng nông thôn mới và kết quả công tác “dồn điền, đổi thửa” ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh Trương Văn Trí cho biết: Cách đây hai năm, đời sống người dân Tam Vinh phần lớn dựa vào mảnh ruộng, con bò… Do vậy, khi huyện phát động xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng và chính quyền xã Tam Vinh đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời vận động nhân dân đóng góp tập trung nâng cấp, xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn huyết mạch. Nhờ vậy, đến nay, có 60% số đường trong xã được bê-tông hóa; góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất và đời sống.
Cùng với việc bê-tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, xã Tam Vinh đã tiến hành “dồn điền, đổi thửa” hơn 110 ha đất lúa. Theo đó, đã thực hiện kiên cố hóa 1,5 km kênh mương dẫn nước và các tuyến giao thông nội đồng cũng từng bước được bê-tông hóa. Có hệ thống tưới nước chủ động và đường giao thông nội đồng được bê-tông hóa, người dân đã mạnh dạn đưa các tiến bộ kỹ thuật, các giống lúa mới có năng suất cao vào đồng ruộng. Nhờ thâm canh tốt, cho nên những vụ sản xuất gần đây, năng suất lúa của xã bình quân đạt 57 đến 58 tạ/ha; có chân ruộng đạt 65 đến 70 tạ/ha. Hiện nhiều hộ không chỉ xây dựng được nhà ở kiên cố, sắm được xe máy đời mới mà còn đầu tư vốn mua máy cày, máy gặt đập liên hợp…, nhanh chóng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Rời Tam Vinh, chúng tôi theo con đường liên xã tráng nhựa phẳng lì chạy ngang qua thị trấn Phú Thịnh về xã Tam Phước, nơi được Trung ương chọn làm thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Tiếp chúng tôi tại khu nhà văn hóa xã vừa mới đưa vào hoạt động cách đây hơn một năm, Chủ tịch UBND xã Võ Thanh Anh khoe: Khi được Trung ương chọn làm thí điểm (cùng với 10 xã điểm trên cả nước), Tam Phước chỉ là xã trung bình khá của huyện. Khi đó, đem “soi” với 19 tiêu chí của Trung ương đề ra, Tam Phước chẳng có tiêu chí nào đạt quy định. Vậy mà, qua gần ba năm nỗ lực xây dựng, bộ mặt nông thôn đã thay đổi từng ngày. Đến cuối năm 2011, đã có 90% số đường giao thông được bê-tông hóa, 70% số kênh mương được kiên cố và làm bằng ống nhựa, 100% số hộ dân được sử dụng điện an toàn; tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ tăng từ 46,6% (năm 2008) lên 65,5%. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,5% xuống còn 4,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,2 triệu đồng/người/năm (tăng gấp hai lần so với năm 2008). Qua rà soát, đến nay, Tam Phước đã cơ bản đạt 18 trong số 19 tiêu chí đề ra, hiện còn tiêu chí về cơ cấu lao động chưa đạt so với quy định.
Sắp tới, Tam Phước sẽ tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Trước mắt, cùng với việc tiếp tục đưa các loại giống mới vào sản xuất; mở rộng các cánh đồng chuyên canh trồng dưa, sản xuất lúa giống, xã sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp vào mở cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Mỹ, để vừa giải quyết việc làm cho số lao động dôi ra từ nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị, vừa tạo ra bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho người dân ở địa phương.
Nằm cận kề với Tam Phước, xã Tam An, tuy không nằm trong diện xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng là một địa phương có nhiều tiềm lực. Trao đổi ý kiến với chúng tôi Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Toàn say sưa kể về chuyện xây dựng nông thôn mới. Sau khi có chủ trương của huyện, Đảng bộ xã Tam An đã ra nghị quyết về vấn đề này. Theo đó, xã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại công tác quy hoạch; trên cơ sở đó, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư bê-tông hóa các tuyến đường liên thôn. Đáng chú ý, thời gian qua, Tam An đã đẩy mạnh việc “dồn điền, đổi thửa”, gắn với xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương và chương trình thủy lợi hóa đất màu. Đến nay, toàn xã đã “dồn điền, đổi thửa”130 ha đất nông nghiệp. Mỗi vụ, bà con nông dân trong xã sản xuất khoảng 130 ha lúa giống để cung cấp cho thị trường. Với loại đất như nhau, một ha làm lúa giống, bà con thu được 80 triệu đồng, trong khi sạ lúa thường chỉ thu khoảng 60 triệu đồng. Không dừng lại ở sản xuất lúa giống, phong trào nuôi trâu thịt, gà, vịt và trồng rau sạch đang được bà con ở các thôn: Phước An, An Hà… triển khai rộng khắp.
Cùng các đồng chí lãnh đạo xã Tam An, chúng tôi ghé thăm cánh đồng trồng rau sạch ở Gò Sen (thôn An Hà). Trưởng thôn Bùi Văn Tâm vừa ôm bó rau cải lên bờ, vừa bộc bạch: Cánh đồng trồng rau này rộng khoảng 1,5 ha, vừa được cải tạo trong năm 2011. Ở đây diện tích đất ít. Người nhiều thì được vài ba sào, người ít khoảng 300 đến 400 m2, nhưng thu nhập từ nghề trồng rau này khá lớn. Nhiều hộ trong dịp Tết này, thu hàng chục triệu đồng từ bán rau. Hộ ông Đỗ Ngọc Châu (thôn An Mỹ 1), mỗi năm thu đến cả trăm triệu đồng từ trồng rau sạch…
Xây dựng nông thôn mới
Làm việc với các đồng chí lãnh đạo huyện Phú Ninh, chúng tôi được biết, không riêng xã điểm Tam Phước, hay các xã Tam Vinh, Tam An, thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Phú Ninh đã lan tỏa khắp nơi. Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Tấn Đức cho biết: Năm 2007, tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt Dự án quy hoạch xây dựng mô hình nông thôn mới huyện Phú Ninh (giai đoạn 2007-2020). Sau đó, hai năm, Huyện ủy đã ra nghị quyết triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình nông thôn mới… Tuy nhiên, do mới chia tách, nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, cho nên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Thế nhưng đến khi Tam Phước được chọn làm xã điểm và gần đây Phú Ninh là một trong năm huyện của cả nước được Trung ương chọn chỉ đạo điểm về xây dựng mô hình nông thôn mới, phong trào này được triển khai đồng bộ và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Kết quả rõ nét nhất là, từ một huyện nghèo, 80% số người dân sống bằng nghề nông; tỷ trọng nông nghiệp chiếm 60% trong cơ cấu GDP, đến nay Phú Ninh có những chuyển biến khá rõ nét. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa… ngày càng được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất, học tập, chữa bệnh của người dân. Qua phát động xây dựng mô hình nông thôn mới, Phú Ninh không dừng lại ở công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác “dồn điền, đổi thửa”, phát triển kinh tế hợp tác, chú ý việc xây dựng các thiết chế văn hóa và gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đến nay, huyện đã xây dựng nhiều cánh đồng có thu nhập 100 triệu đồng/năm. Trong đó, xây dựng được những cánh đồng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, với tổng diện tích hơn một nghìn ha. Được biết, ngoài chủ động giống cho sản xuất tại chỗ, hằng năm bà con nông dân trong huyện còn cung cấp ra thị trường từ ba đến bốn nghìn tấn giống lúa các loại. Ngoài cây lúa, Phú Ninh đã hình thành cánh đồng trồng dưa hấu khoảng 800 ha, năng suất đạt 20 tấn/ha… Nhờ sản xuất phát triển, đời sống nhân dân ở các địa phương từng bước được cải thiện. Kinh tế có bước tăng trưởng nhanh, năm 2011, GDP của huyện đạt 17,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, lĩnh vực công nghiệp – thương mai, dịch vụ chiếm 68%; nông nghiệp từ 60% (năm 2005) xuống còn 32%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14%; lao động phi nông nghiệp đạt 37%, tăng gần gấp hai lần so với khi mới tách ra khỏi thị xã Tam Kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới ở Phú Ninh còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngoại trừ xã Tam Phước cơ bản đạt 18 tiêu chí và Tam An đạt chín tiêu chí; hiện các xã còn lại chỉ đạt từ bốn đến bảy tiêu chí… Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Tấn Đức: Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn ngân sách địa phương có hạn, nguồn phân bổ của cấp trên cho chương trình nông thôn mới chưa nhiều, cho nên việc thực hiện các chương trình bê-tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, nhất là công tác “dồn diền, đổi thửa”… nhằm đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng triển khai chưa đáp ứng với lộ trình đặt ra. Mặt khác, do chưa có cơ chế thu hút các doanh nghiệp về mở cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp và các làng nghề ở nông thôn, nên hiện nay, việc xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện còn dở dang, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn. Điều này làm cho công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn khó đạt so với tiêu chí của Trung ương đề ra.
Để chủ trương xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, ngoài sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, các bộ, ngành liên quan của Trung ương và tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ về tài chính để các địa phương được chọn làm điểm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình nông thôn mới theo tiêu chí đề ra, góp phần cải thiện đời sống người dân và tạo ra bộ mặt mới cho vùng nông thôn vốn còn nhiều khó khăn thiếu thốn này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()