Xây dựng nông thôn mới ở Lộc Yên: Khó khăn còn đó
LSO- Cách trung tâm huyện Cao Lộc 14 km về phía Bắc, xã Lộc Yên có 382 hộ dân, hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác tại 9 thôn bản. Từ khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến nay, Lộc Yên mới đạt 3/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đang trong quá trình thực hiện nhưng gặp khá nhiều khó khăn.
Đến Lục Ngoãng – thôn vùng ba của Lộc Yên, chúng tôi mới thấu hiểu những khó khăn nơi đây. Lục Ngoãng cách trung tâm xã khoảng 7 km, đường đến thôn chủ yếu là đường dốc, nhỏ, hẹp. Người dân sống dựa vào nghề nông, sản xuất tự sản tự tiêu. Thôn có 27 hộ dân thì 22 hộ thuộc diện nghèo nên việc huy động nguồn lực rất khó khăn. Năm 2012, xã tiến hành thi công đường giao thông trục thôn dài 1.000m. Số tiền của người dân đóng góp không đáng kể, một phần do nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế nên chưa tự nguyện hiến đất làm đường, vì vậy thôn mới bê tông được 420m. Không riêng thôn Lục Ngoãng, 8 thôn còn lại của Lộc Yên vẫn còn từ 90% – 100% diện tích mặt đường là đường đất nên toàn xã Lộc Yên chỉ có 35% mặt đường được bê tông hóa, trong đó có hơn 400m theo tiêu chí nông thôn mới. Không riêng đường giao thông, các công trình hạ tầng khác ở Lộc Yên cũng rất thấp kém: trụ sở, trạm y tế xã xuống cấp; trường mầm non, nhà văn hóa xã, nhà học tập cộng đồng, sân tập thể thao chưa được xây dựng; nhà văn hóa của 9 thôn bản diện tích nhỏ hẹp; các công trình nước sạch, thủy lợi chưa được quan tâm xây dựng, toàn xã chưa có hồ đập và tuyến mương nào kiên cố. Hệ thống điện chưa được phủ khắp toàn xã, còn 46 hộ dân thôn Bản Giếng chưa có điện sử dụng…
Đường vào thôn Bản Héc, xã Lộc Yên (Cao Lộc)
Lãnh đạo UBND xã Lộc Yên cho biết: Do địa hình phức tạp, bị chia cắt dẫn đến nguồn đầu tư cao, xã không còn quỹ đất công để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn (53,4% hộ nghèo, 27,4% hộ cận nghèo) là rào cản lớn trong quá trình huy động nguồn vốn XDNTM. Do vậy, chương trình vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ còn hạn chế, nên hiệu quả tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc XDNTM chưa cao. Ông Tô Đức Thành, thôn Bản Héc cho biết: Gia đình ông và nhiều hộ trong thôn không có nước sạch sinh hoạt, hầu hết phải khoan giếng để có nước dùng. Đất trồng lúa là ruộng bậc thang, cũng không chủ động nước nên thường cấy một vụ, cố gắng lắm thì một năm cũng chỉ đủ ăn. Đời sống khó khăn nên để xây dựng nông thôn mới, chúng tôi chỉ có thể đóng góp công sức nhưng tiền và vật liệu thì không được nhiều.
Để thực hiện thành công chương trình XDNTM, ngoài sự hỗ trợ từ nhà nước, xã Lộc Yên cần tháo gỡ những khó khăn như tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của chương trình… qua đó giúp người dân, hiểu rõ trách nhiệm của mình trong XDNTM; làm tốt công tác huy động nội lực, tranh thủ tận dụng sự hỗ trợ từ nhiều phía; đầu tư lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án khác; ưu tiên thực hiện những tiêu chí cần thiết phục vụ lợi ích của cộng đồng. Hy vọng rằng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nông thôn ở Lộc Yên sẽ sớm đổi thay.
Ý kiến ()