Xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai - Từ ý Đảng đến lòng dân
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai, huyện Xuân Lộc – một huyện miền núi nhưng đã có những cách làm sáng tạo, bằng việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đã tạo nên sự thay đổi nhanh chóng ở miền quê nơi đây. Đó là sự vào cuộc sâu sát, gắn bó giữa cán bộ với nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
Những ngày này, đến thăm xã Lang Minh, một xã thuần nông của huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện, chúng tôi chứng kiến một không khí hối hả trên những công trường xây dựng đường giao thông nông thôn. Để làm được những con đường bê tông khang trang sạch đẹp, ngoài một phần kinh phí do Nhà nước đầu tư thì một nguồn hết sức quan trọng, đó là sự chung tay đóng góp của người dân.
Làm đường giao thông nông thôn ở Đồng Nai (Ảnh: K.V) |
Hết sức cảm động khi được nghe kể về trường hợp hộ ông Đỗ Hữu Tâm ở ấp Tân Bình, xã Lang Minh. Ông Tâm là hộ nghèo trong nhiều năm, nhờ nỗ lực phấn đấu của gia đình và hỗ trợ của địa phương, đến cuối năm 2013, gia đình ông Tâm đã được công nhận là hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, khi phong trào toàn dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới được phát động, ông Tâm đã không ngần ngại bán đi số hạt điều vừa thu hoạch để góp hơn 11 triệu đồng ủng hộ phong trào làm đường giao thông nông thôn.
Ông Đỗ Hữu Tâm phấn khởi cho biết: Mặc dù gia đình mới thoát nghèo chưa được một năm, nhưng thấy ý nghĩa lớn lao của phong trào xây dựng nông thôn mới, làm đổi mới bộ mặt nông thôn: Đường ngõ xóm được sạch sẽ, đi lại thuận tiện, đời sống của người dân cũng như gia đình mình khấm khá hơn, văn minh hơn… nên không băn khoăn khi bỏ một số tiền đối với gia đình không phải là nhỏ, để góp phần vào làm đường giao thông, thay đổi bộ mặt nông thôn – nơi mình gắn bó bao đời.
Có thể thấy, ở Xuân Lộc, để có thể huy động được sức dân, tạo được sự đồng thuận cao trong dân, thì hơn ai hết, mỗi cán bộ phải là những người gần dân nhất. Từ lãnh đạo huyện đến xã, họ đến với nhân dân, lắng nghe nhân dân và đề xuất những cách làm để nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến. Chính từ cách làm này mà đã tạo được niềm tin trong dân, do đó, người dân đã mạnh dạn đóng góp công sức và tiền của để cùng với Nhà nước xây dựng nông thôn mới.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của vùng đất Xuân Lộc, do đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương nơi đây đã mạnh dạn tạo nên những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà đến nay, nhiều vùng canh tác nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã đạt giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng đến 250 triệu đồng/ha/năm. Đời sống nhân dân được nâng cao. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu/người/năm. Chính vì những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân mà người dân hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền địa phương.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhật – Bí thư Huyện uỷ Xuân Lộc cho biết: Nếu như trước đây trên các cánh đồng của địa phương chỉ có cây lúa, thì đến nay, người dân đã canh tác luân phiên một vụ lúa hai vụ ngô. Nhiều vườn cây ăn trái trước đây chỉ có cây điều, chôm chôm, xoài, sầu riêng, thì nay đã có những vùng chuyên canh trồng tiêu năng suất cao, thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao. Từ những kết quả khả quan trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Xuân Lộc trong thời gian qua, có thể rút ra được những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo, đó là: Người lãnh đạo các cấp ở địa phương nói phải đi đôi với làm, đã hứa với dân thì phải thực hiện bằng được. Chính từ cách làm này, mà từ năm 2009 đến nay, huyện đã đầu tư 9.333 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách của địa phương chỉ bỏ ra 720 tỷ đồng, còn lại số tiền 8.612 tỷ đồng là do người dân tự đóng góp.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhật cho biết thêm: Xây dựng nông thôn mới tựu trung lại, đó chính là từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó, điều quan trọng nhất là giúp dân xây dựng, phát triển kinh tế ngày càng khấm khá và bền vững. Đời sống của người dân có khá lên thì mới có đóng góp về kinh tế và công sức để cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Đây chính là bài học về sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong công tác xây dựng nông thôn mới nói riêng và trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước nói chung.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X), 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực sự có nhiều chuyển biến tích cực: Nông nghiệp phát triển tương đối ổn định; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất, tinh thần người dân có bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã có 15 xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Đồng Nai cũng đã trao danh hiệu cho các xã nói trên vì đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí của Trung ương. Ngoài Bằng chứng nhận và Giấy khen, mỗi xã đạt danh hiệu này còn được tỉnh Đồng Nai thưởng 500 triệu đồng.
Đến nay, toàn bộ 136 xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. Từ 2011 đến nay, Đồng Nai đã đầu tư hơn 16 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó hơn 1/3 là vốn đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân đóng góp.
Nhiều mô hình trồng xoài cho thu nhập cao ở Đồng Nai |
Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa các tiêu chí cụ thể vào phấn đấu mà kinh tế ở những vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng khá nhanh. Cụ thể: Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp từ 41 triệu đồng/ha vào năm 2009 tăng lên 87 triệu đồng/ha năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt hơn 32 triệu đồng, tăng bình quân 18%/năm so với cuối năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,22% đầu năm 2011 xuống còn 2% vào cuối năm 2013. Được biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Không những thế, nhiều nơi ở Đồng Nai đã có những cách làm riêng, sáng tạo, áp dụng cụ thể tại địa phương mình, do đó, nhiều tiêu chí đã sớm hoàn thành. Hiện Đồng Nai là địa phương có số xã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ. Để phấn đấu đến năm 2020, Đồng Nai trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân; chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, đảm bảo yêu cầu thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Ý kiến ()