Xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ xã điểm Tô Hiệu
LSO- Từ năm 2001, Tô Hiệu đã được huyện Bình Gia chọn làm xã điểm phát triển toàn diện. Với kinh nghiệm 10 năm thực hiện chỉ đạo điểm, Tô Hiệu có những thuận lợi nhất định trên con đường xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để “với” tới những tiêu chí được quy định trong bộ tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành, địa phương còn rất nhiều việc phải làm.Hơn 10 năm qua Tô Hiệu đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhiều người dân còn ví đây là bước nhảy vọt của một xã trên vùng đất khó. So với các tiêu chí về nông thôn mới, hiện nay Tô Hiệu có đến 10/19 tiêu chí đạt và gần đạt. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã cho biết: Trong 10 năm qua, địa phương luôn đi đầu trong các phong trào huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điều đó tạo ra cho Tô Hiệu mạng lưới giao thông nông thôn và hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Đến nay tỉ lệ bê tông...
Hơn 10 năm qua Tô Hiệu đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhiều người dân còn ví đây là bước nhảy vọt của một xã trên vùng đất khó. So với các tiêu chí về nông thôn mới, hiện nay Tô Hiệu có đến 10/19 tiêu chí đạt và gần đạt. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã cho biết: Trong 10 năm qua, địa phương luôn đi đầu trong các phong trào huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điều đó tạo ra cho Tô Hiệu mạng lưới giao thông nông thôn và hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh. Đến nay tỉ lệ bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong toàn xã đã đạt đến 95%; hệ thống thủy lợi với 70% tuyến kênh mương chính được kiên cố hóa đã có thể chủ động tưới cho trên 80% diện tích gieo trồng của xã, hiện chỉ còn 1 thôn chưa chủ động được nước và số này sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian ngắn sắp tới. So sánh với bộ tiêu chí thì chỉ cần hoàn thiện thêm chút nữa là giao thông, thủy lợi của địa phương đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Qua đó phát triển sản xuất đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận với các mô hình trồng Thanh Long, liên kết với doanh nghiệp sản xuất khoai tây đông, chăn nuôi lợn nái sinh sản…đạt hiệu quả kinh tế cao và tạo tiền đề cho sản xuất hàng hóa phát triển.
Các tiêu chí về điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị và quốc phòng an ninh trên địa bàn đều cơ bản đáp ứng được tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, vẫn đang có những khó khăn nhất định ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trước tiên là việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, xây dựng nhà văn hóa thôn và xây dựng chợ, mặc dù đây là những nhu cầu rất bức thiết của nhân dân, nhưng việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn bởi một lý do cơ bản nhất: Không có mặt bằng. Từ trước đến nay, trên địa bàn chưa có tiền lệ người dân hiến đất để xây dựng các công trình công cộng, địa phương lại không có quỹ đất, do vậy đến thời điểm này Tô Hiệu mới chỉ có 3/15 thôn có nhà văn hóa. Từ một hướng nhìn khác, hiện nay Tô Hiệu chưa thành lập các Ban vận động ở cấp thôn để thực hiện tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về ý nghĩa thôn mới, ông Phù thừa nhận: Thời điểm này, mặc dù đã triển khai xây dựng nông thôn mới được vài tháng, nhưng vẫn có nhiều người dân chưa hiểu về chương trình này. Và để giải quyết vấn đề mặt bằng, có lẽ nút gỡ nên bắt đầu từ đây. Một vấn đề nữa là vấn đề đào tạo nghề nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, trước tiên phải nói đây là khó khăn chung của các địa phương trong cả nước, kể cả các xã thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nhưng điểm đáng nói là khi đăng ký nhu cầu học nghề theo chương trình đạo tạo nghề nông thôn, thì nhân dân địa phương không ai đăng ký, điều này một phần đã phản ánh thực trạng người dân chưa được định hướng một cách cụ thể về học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp.
Vũ Lê Minh
Ý kiến ()