Xây dựng nông thôn mới: Nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất
(LSO) – Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (HTSX) của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều xã đã lựa chọn xây dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Mặc dù mới triển khai thực hiện từ cuối năm 2017, nhưng đến nay, mô hình chanh leo của Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Cường, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng đã đem lại hiệu quả rõ rệt với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Nông Mạnh Cường, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Từ nguồn vốn HTSX, hợp tác xã đã được hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình. Có nguồn lực hỗ trợ, các thành viên đóng góp thêm công sức, tiền của để cải tạo đất đồi, mua cây giống, làm giàn và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 5 ha chanh leo. Cây chanh leo hợp điều kiện khí hậu, đất đai, cộng với việc đầu tư bài bản, khoa học của hợp tác xã nên chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mô hình trồng chanh leo đã cho hiệu quả rõ nét. Đến nay, phần lớn diện tích chanh leo đã cho thu hoạch. Năm 2018, hợp tác xã đã thu hoạch được khoảng 30 tấn chanh leo. Với giá bán từ 20 – 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mang lại lợi nhuận 300 – 400 triệu đồng; năm 2019 này, hợp tác xã dự kiến mở rộng diện tích chanh leo thêm 5 ha.
Mô hình trồng chanh leo của Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Cường, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng
Cũng từ nguồn vốn HTSX, năm 2018, xã NTM Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn đã hỗ trợ 2 mô hình gồm: mô hình trồng rau an toàn với diện tích 3,4 ha và mô hình trồng cà gai leo với diện tích 1 ha. Ông Dương Hữu Huề, Chủ tịch UBND xã Hữu Vĩnh cho biết: Để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, xã đã phối hợp rà soát, lựa chọn để hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất phát huy được thế mạnh của xã. Ví dụ như mô hình trồng rau an toàn đã được triển khai ở xã từ những năm trước, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ nguồn vốn HTSX, xã đã hỗ trợ để các hộ dân xây dựng một số hạng mục như: hệ thống tưới, nhà lưới… Qua đó góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm rau an toàn của xã. Trung bình mỗi sào rau cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm.
Bên cạnh 2 trường hợp kể trên, năm 2018, trên địa bàn tiếp tục xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước nhân rộng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí vốn HTSX và các hình thức tổ chức sản xuất 36.450 triệu đồng. Đối với các dự án phát triển sản xuất được UBND tỉnh trực tiếp phân bổ vốn thực hiện đã có 2 dự án phát triển tổng thể đang tổ chức sản xuất; 6 dự án nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả và hỗ trợ đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất đã thực hiện xong các nội dung hỗ trợ…
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Các mô hình thực hiện đã đáp ứng được mục tiêu đề ra mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, khai thác được các sản phẩm có lợi thế của từng địa bàn, từng bước hình thành và xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình tiêu biểu như mô hình trồng chanh leo xã Tân Việt, huyện Văn Lãng; mô hình trồng bưởi ở xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng; mô hình sản xuất thạch an toàn ở Tràng Định…
Đối với các dự án HTSX ở các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đạt chuẩn năm 2018 và 5 xã đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh đã xây dựng được 69 mô hình tại 52 xã, với 2.320 hộ và 6 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác tham gia. Đến nay các mô hình đã được triển khai thực hiện. Nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình trồng na VietGAP ở huyện Chi Lăng; chanh leo Tràng Định, Văn Lãng; cây dược liệu ở huyện Văn Quan; cây ăn quả ở huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng…
Nguồn vốn HTSX đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ, tạo động lực giúp người dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp, qua đó tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét ở các xã NTM trên địa bàn tỉnh.
TÂN AN
Ý kiến ()