LSO-Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được chuẩn bị từ năm 2010 và bước vào những tháng đầu tiên của năm 2011, chương trình đã chính thức khởi động. Mới đây, trong Hội nghị triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh tổ chức, qua các ý kiến của nhiều đại biểu, những khó khăn trong triển khai thực hiện đã dần lộ rõ. Tuy nhiên đây lại là điều đáng mừng, bởi khi đã xác định được những khó khăn cơ bản, thì lúc đó mới có được những giải pháp hữu hiệu để thực hiện.Cho đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch triển khai…Trong công tác chuẩn bị này, một số địa phương đã thực hiện khá tốt. Ví dụ như ở thành phố, ngoài một xã điểm là Mai Pha do tỉnh chọn, thành phố đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 xã ngoại thành. Trước mắt là...
LSO-Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được chuẩn bị từ năm 2010 và bước vào những tháng đầu tiên của năm 2011, chương trình đã chính thức khởi động. Mới đây, trong Hội nghị triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh tổ chức, qua các ý kiến của nhiều đại biểu, những khó khăn trong triển khai thực hiện đã dần lộ rõ. Tuy nhiên đây lại là điều đáng mừng, bởi khi đã xác định được những khó khăn cơ bản, thì lúc đó mới có được những giải pháp hữu hiệu để thực hiện.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch triển khai…Trong công tác chuẩn bị này, một số địa phương đã thực hiện khá tốt. Ví dụ như ở thành phố, ngoài một xã điểm là Mai Pha do tỉnh chọn, thành phố đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 xã ngoại thành. Trước mắt là yêu cầu các dịa phương rà soát lại các tiêu chí để so sánh với 19 tiêu chí đã được ban hành, đồng thời tập trung thực hiện quy hoạch, dự kiến đến tháng 6/2011 sẽ thông qua HĐND.
|
Xây dựng nông thôn mới tại huyện Chi Lăng |
Trong quá trình đó, nhiều khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh. Ông Vũ Văn Quang, Chủ tịch UBND thành phố bộc bạch: Chẳng hạn như quy hoạch, trong 3 quy hoạch thì cần phải tập trung vào một quy hoạch nào trước, hay thực hiện đồng thời cả 3? Về đầu tư xây dựng cơ bản, yêu cầu kinh phí đầu tư rất lớn, số này sẽ lấy ở đâu, trong khi hiện nay cân đối ngân sách từ thành phố còn nhiều khó khăn. Đi vào một số tiêu chí cụ thể, như xây dựng chợ đạt chuẩn theo tiêu chí thì có bắt buộc phải thực hiện không, bởi hiện nay không phải xã nào cũng có nhu cầu về xây dựng chợ, nếu cứ đầu tư, liệu có hiệu quả không?…Không chỉ riêng ở thành phố, mà đi vào cụ thể, các địa phương cũng còn nhiều lúng túng, như lãnh đạo huyện Tràng Định nêu ra: Khó khăn nhất là kinh phí xây dựng cơ bản, kinh phí cho giải phóng mặt bằng. Giải pháp được đưa ra là huyện sẽ cố gắng lồng ghép các chương trình để có kinh phí thực hiện, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ.
Xoay quanh vấn đề kinh phí thực hiện, thì có lẽ Bình Gia – Một trong những huyện nghèo nhất nhì của tỉnh là vướng nhất. Ông Lương Trương Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia đề xuất: Nên chăng có một cơ chế đặc thù riêng cho các huyện nghèo, bởi hiện nay về nguồn lực thì ngân sách huyện không thể đáp ứng nổi, là một địa phương nghèo, Bình Gia cũng chưa biết phải huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp ra sao. Ngoài vấn đề về nguồn lực thực hiện thì nhiều địa phương cũng mắc ở khâu quy hoạch, sử dụng đất. Cụ thể như ở Bình Gia, đất rộng, nhưng cũng chưa biết bố trí, xây dựng và di dời khu nghĩa trang trên địa bàn xã Tô Hiệu đi đâu, việc này không là câu chuyện kinh phí nữa mà còn là vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu và chấp thuận…
Có rất nhiều những khó khăn, vướng mắc đa được nêu ra, nhưng qua những câu chuyện trên đã thể hiện một yếu tố lớn nhất, đó chính là quyết tâm của lãnh đạo các địa phương về xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới thẳng thắn: Qua trao đổi với một số cán bộ lãnh đạo của các huyện, tôi nhận thấy, quyết tâm của các địa phương chưa cao. Biểu hiện cụ thể là ngay chính một số lãnh đạo huyện, xã cũng chưa nghiên cứu kỹ những bước về xây dựng nông thôn mới, trong khi đó trong “sổ tay xây dựng nông thôn mới” đã viết rất rõ về vấn đề này. Thậm chí ở một số huyện, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới còn giao cho cấp phó làm trưởng ban. Ông Khoa khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn và toàn diện, vì tính chất quan trọng của nó, nên phải là Chủ tịch huyện làm trưởng ban và vị trí này quyết định đến sự thành công của chương trình. Sắp tới, tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch, đến hết 2015, mỗi huyện phải xây dựng từ 4 xã nông thôn mới, thế nhưng hiện nay có những huyện vẫn chưa mạnh dạn chọn xã điểm của huyện để xây dựng ngoài xã điểm đã được tỉnh chọn.
Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và quyết tâm của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn, cần phải tiếp tục đẩy mạnh tập huấn cho cán bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho toàn xã hội hiểu về nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực trong quá trình triển khai; các địa phương cần thực hiện một cách nghiêm túc, cầu thị, tham quan, học tập các địa phương đi trước, tích cực tham mưu cho tỉnh…trước mắt là hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng kế hoạch của Trung ương, phấn đấu xây dựng thành công nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra. “Vạn sự khởi đầu nan”, những khó khăn lộ diện là thách thức, nhưng đồng thời cũng là những tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ xác định được khó khăn, Lạng Sơn sẽ có những điều chỉnh về kế hoạch, lộ trình và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả hơn. Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang rõ nét hơn.
Lê Minh
Ý kiến ()