Xây dựng nông thôn mới hiệu quả
Đường giao thông nông thôn tại xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu được đầu tư khang trang, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân |
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, giúp nông nghiệp phát triển vượt bậc, nông thôn đổi mới, cuộc sống của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Nâng cao chất lượng
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một từ năm 2011 đến 2015, giai đoạn hai từ năm 2016 đến 2020. Đến nay, cả nước đã có gần 3.600 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã. Có 58 đơn vị cấp huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 12 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017. Để nâng cao chất lượng xây dựng NTM, Chính phủ đã ban hành Quyết định 691/QĐ-TTg về tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Trong đó, tập trung ưu tiên tiêu chí sản xuất – thu nhập – hộ nghèo, giáo dục – y tế – văn hóa, môi trường và tiêu chí an ninh trật tự – hành chính công. Riêng về thu nhập của nông dân, đây là tiêu chí được các địa phương quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ.
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân, các địa phương đã ban hành các kế hoạch, có định hướng chiến lược, nhằm xây dựng chuỗi sản xuất liên kết theo các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Hình thành và tiếp tục củng cố hơn 800 chuỗi nông sản an toàn (tăng 74 chuỗi so với năm 2017). Một số địa phương xác định được những sản phẩm chủ lực, dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn, phát triển các mô hình nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình chuẩn, hình thành chuỗi liên kết. Hiện nay, cả nước có khoảng 4.800 sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch cấp xã, huyện có lợi thế. Đây là tiềm năng và dư địa rất lớn để có thể triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, bảo tồn truyền thống văn hóa của từng vùng, miền.
Một mặt, các địa phương chú trọng giữ vững tiêu chí đã đạt được, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững các tiêu chí đó. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn tiếp tục được chú trọng, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp… Tại nhiều địa phương, sau khi đạt chuẩn NTM, các xã đã nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu, đẩy mạnh ngành, nghề sản xuất truyền thống, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ổn định, bền vững…
Giảm khoảng cách
Cùng với những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế, nhất là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn. Trong khi một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn, như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam… để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp, như Điện Biên, Bắc Cạn, Cao Bằng… Bên cạnh đó, tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường…
Ban Chỉ đạo T.Ư cũng chỉ rõ, thực tế năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa rõ nét vẫn đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm.
Mặc dù được ngân sách T.Ư ưu tiên bố trí nhưng đầu tư trong xây dựng NTM tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã nhưng do thiếu vốn cho nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều công trình dở dang, không thể đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM.
Do vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về NTM, trong đó, chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực Chương trình. Tiếp tục triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch – an toàn, sản phẩm chủ lực trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững. Đẩy mạnh công tác triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” trên phạm vi cả nước, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền.
Theo Nhandan
Ý kiến ()