Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế
LSO-Kết quả rà soát thực trạng xây dựng nông thôn mới (NTM) theo tiêu chí của huyện Tràng Định vừa qua cho thấy, số lượng xã đạt tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo trên địa bàn chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả.
Kết quả đó thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền cũng như sự đồng thuận, đoàn kết nhân dân địa phương trong trong phát triển kinh tế, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn.
Mô hình ấp trứng vịt của gia đình ông La Quốc Chấn, thôn Nà Vài, xã Đại Đồng (Tràng Định) |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có 10/22 xã đạt tiêu chí hộ nghèo (tiêu chí 11), tăng 9 xã trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM; 4/22 xã đạt tiêu chí thu nhập (tiêu chí 10). Trong khi tiêu chí về thủy lợi (tiêu chí 3) mới chỉ có 2 xã đạt; tiêu chí nhà ở dân cư (tiêu chí 9) chỉ có 1 xã đạt… Để có kết quả này, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện tới cơ sở đã xác định phát triển kinh tế là động lực lớn nhất để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khai thác thế mạnh sẵn có, nhạy bén với nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đồng thời tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành đầu tư phát triển kinh tế, giúp nhân dân dần ổn định cuộc sống. 3 năm qua, toàn huyện đã triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn NTM là trên 1,1 tỷ đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp. Công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã mở được 133 lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật về nông, lâm nghiệp, thu hút hơn 5.300 lượt người tham dự. Qua đó, cấp phát khoảng 2.370 bộ tài liệu về kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cho nhân dân; xây dựng, nhân rộng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả…
Có thể thấy, hiện Tràng Định đang triển khai nhiều mô hình kinh tế có nguồn vốn trực tiếp từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đơn cử, mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xã Chi Lăng, Quốc Việt; mô hình phát triển đàn gia cầm tại xã Đại Đồng; mô hình trồng đỗ tương tại xã Tri Phương… Nhìn chung, do quá trình triển khai, chính quyền và nhân dân địa phương đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên, cộng với kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp truyền thống nên đã phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.
Ông La Quốc Chấn, thôn Nà Vài, một trong những hộ theo dự án phát triển đàn gia cầm giống của xã Đại Đồng vui mừng nói với chúng tôi: trước đây, gia đình tôi từng nuôi vịt giống nhưng do thực hiện thủ công, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình xây dựng NTM của xã, gia đình tôi đã đầu tư mua được máy ấp trứng, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Tính từ tháng 3/2014 đến nay, gia đình đã xuất được 3 lứa vịt giống, thu về khoảng 8 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ sản xuất thông qua các tổ chức đoàn thể tín chấp với ngân hàng để vay vốn phát triển kinh tế. Nhiều người nhờ có vốn đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, không chỉ vươn lên khá giả mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tràng Định giảm khoảng 2,5%. Hiện tỷ lệ này là 10,92%, giảm 7,51% so với năm 2011.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế, người dân huyện Tràng Định cũng ngày càng nâng cao nhận thức, nhiệt tình tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội, góp phần làm nên bộ mặt NTM cho địa phương. Trong 3 năm (2011 – 2013), nhân dân địa phương đã huy động 6.000 ngày công lao động, khai thác đá sỏi tại chỗ được trên 5.500m3, hiến được trên 2.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Từ đầu năm 2014 đến nay, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 2 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt, gần đây, nhân dân địa phương đã tham gia ủng hộ Quỹ “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” được gần 300 triệu đồng.
Ông Nông Văn Thoại, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tràng Định cho biết: việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế là một chủ trương đúng đắn, hợp lý. Bởi nền tảng kinh tế sẽ giúp các địa phương có điều kiện đưa quá trình xây dựng NTM sớm về đích.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên nhiều xã vẫn chưa gây dựng được “nền tảng” này. Đơn cử, tiêu chí hộ nghèo có nhiều xã đạt nhưng tiêu chí thu nhập mới chỉ có 4 xã đạt được. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn; mỗi xã lựa chọn từ 1 – 2 mô hình sản xuất sản phẩm chính để hỗ trợ phát triển, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị các loại sản phẩm nông, lâm sản theo thế mạnh của từng vùng, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó, tổ chức sơ kết các mô hình phát triển sản xuất trên địa bàn; tham quan học tập các mô hình sản xuất trong và ngoài huyện. Phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()