Xây dựng nông thôn mới: Gần dân, bám sát cơ sở
LSO-Nhờ gần dân và bám sát cơ sở, thời gian qua, nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác huy động nguồn lực tổng hợp từ nhân dân và các thành phần kinh tế vào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa làm tốt công tác này.
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thụ phấn na bằng kỹ thuật mới |
Mới đây xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông liên thôn dài gần 3km và rộng tới 6m với tổng kinh phí lên tới 9 tỷ đồng. Phần xi măng do tỉnh hỗ trợ, toàn bộ phần còn lại như chi phí vật liệu cát, sỏi, thi công…là từ nguồn xã hội hóa. Ông Nguyễn Quốc Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân cho biết: Trước khi quyết định đầu tư, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã xuống từng thôn để họp và lấy ý kiến của nhân dân, đồng thời huy động nguồn lực từ 8 doanh nghiệp khai thác đá, 83 nhà hàng, dịch vụ trên địa bàn, tất cả đều hưởng ứng, đồng thuận cao. Nếu không phân tích, tìm hiểu các tiềm năng trên địa bàn và không đánh giá đúng sức dân thì có lẽ Đồng Tân không bao giờ dám đưa ra quyết định đầu tư lớn đến thế mà không có nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Từ đầu năm 2012 đến nay, tổng các nguồn vốn lồng ghép xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hữu Lũng đạt trên 53 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân địa phương đã huy động được gần 26 tỷ đồng và hiến trên 3.000m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Theo thường trực Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của huyện, để có thể huy động nguồn lực lớn như vậy đòi hỏi phải nắm rõ, phân tích được đặc điểm, thế mạnh và nguồn lực nội sinh của địa phương mình. Để có thể làm được điều đó, ngay từ cán bộ cấp huyện phải có nhận thức, quyết tâm cao, gần dân và hiểu rõ cơ sở. Như vậy nếu quy diện tích đất đã hiến thì nhân dân Hữu Lũng đã đóng góp tới trên 50% vào Chương trình xây dựng nông thôn mới trong hơn 1 năm qua, gấp 5 lần so với mục tiêu đề ra. Kết quả là tiến độ triển khai nông thôn mới ở Hữu Lũng đang có những bước tiến vượt bậc.
Không chỉ riêng ở Hữu Lũng, trong những năm qua, chỉ xét riêng trên phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp rất quan trọng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, mỗi năm, thông qua các đợt ra quân đầu xuân, toàn tỉnh đã huy động được hàng chục vạn ngày công làm giao thông, thủy lợi. Có những thôn nghèo đã không quản khó khăn đóng góp hàng triệu đồng mỗi hộ để tự kéo điện, tự mở đường và xây dựng các công trình công cộng khác. Có những hộ gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng các công trình dân sinh điển hình như ở xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng….Đặc biệt khi Lạng Sơn triển khai phát động phong trào “Lạng Sơn chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới” thì việc đóng góp sức người, sức của vào phát triển hạ tầng khu vực nông thôn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương điển hình ngày càng được nhân rộng.
Thế nhưng không phải huyện nào cũng tổng hợp, đánh giá đúng mức nguồn lực đóng góp từ nhân dân. Thực tế trong cuộc kiểm tra mới đây tại Bắc Sơn và Bình Gia do đồng chí Lê Thị Thanh Nhàn, Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh làm Trưởng đoàn, các địa phương này đều không báo cáo được con số huy động nguồn lực từ nhân dân và các nguồn xã hội hóa khác là bao nhiêu. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, ở huyện Bắc Sơn và Bình Gia có rất nhiều điểm sáng về phong trào nhân dân hiến đất làm đường và xây dựng các công trình công cộng. Không sâu sát, đánh giá được hết tiềm lực từ nhân dân nên báo cáo cũng rất chung chung như: khó khăn là nhận thức của nhân dân chưa cao, nguồn huy động nhân dân chưa được nhiều. Và hầu hết đều kiến nghị là tăng nguồn vốn đầu tư mà chưa hề có giải pháp cụ thể nào trong việc xã hội hóa.
Nhìn từ một hướng khác, ngay từ cấp huyện, các địa phương này cũng chỉ mới bố trí cán bộ phụ trách nông thôn mới mà chưa có quyết định giao chuyên trách theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời quan điểm bao trùm nhất là xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư cũng chưa được hiểu thấu đáo. Việc tổng hợp, đánh giá đúng, đủ nguồn lực huy động từ nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng. Từ đó các địa phương mới có thể làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để khuyến khích, phát huy sức mạnh nội tại từ nhân dân. Cũng dựa vào đó, từng địa phương có thể phân tích, nhận định và đưa ra những kế hoạch, chiến lược của riêng mình, đồng thời tham mưu cho các cấp, ngành ban hành các chính sách đặc thù để tạo nên những bước đột phá. Muốn làm được việc đó, điều quan trọng nhất là phải gần dân và sát cơ sở, đồng thời nâng cao nhận thức, như đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã khẳng định: nâng cao nhận thức, trước tiên là từ cán bộ.
Ý kiến ()