LSO-Trong khi nhiều địa phương còn đang bàn, tính trên lý thuyết về xây dựng nông thôn mới, thì Hữu Lũng đã bắt tay vào triển khai. Phương châm của huyện là vừa làm, vừa nghiên cứu, vướng mắc ở đâu tập trung giải quyết ngay khâu đó. Nhờ vậy mà cho đến nay, Hữu Lũng là một trong những địa phương có tiến độ triển khai chương trình nhanh nhất trong toàn tỉnh. Người dân xã Đô Lương huyện Hữu Lũng phát triển kinh tế rừng xây dựng nông thôn mớiNăm trước, ngay sau khi nhân dân thôn Bến Cốn, xã Minh Tiến đồng tâm, hợp sức đóng góp gần 300 triệu đồng bắc cầu qua suối Vân Nham, thông tuyến huyết mạch từ thôn ra trung tâm xã, thì ở thôn Cảo, xã Vân Nham, người dân cũng đồng loạt hiến đất, góp sức để mở rộng đường trục chính cho đạt chuẩn so với tiêu chí nông thôn mới. Ngay đầu năm 2012, xã Yên Vượng đã vận động nhân dân ở các thôn Ao Sen, Lầm Thượng, Lầm Hạ và Mỏ Tối tự lùi hàng rào, hiến đất ruộng, thậm chí dỡ bỏ cả một...
LSO-Trong khi nhiều địa phương còn đang bàn, tính trên lý thuyết về xây dựng nông thôn mới, thì Hữu Lũng đã bắt tay vào triển khai. Phương châm của huyện là vừa làm, vừa nghiên cứu, vướng mắc ở đâu tập trung giải quyết ngay khâu đó. Nhờ vậy mà cho đến nay, Hữu Lũng là một trong những địa phương có tiến độ triển khai chương trình nhanh nhất trong toàn tỉnh.
Người dân xã Đô Lương huyện Hữu Lũng phát triển
kinh tế rừng xây dựng nông thôn mới
Năm trước, ngay sau khi nhân dân thôn Bến Cốn, xã Minh Tiến đồng tâm, hợp sức đóng góp gần 300 triệu đồng bắc cầu qua suối Vân Nham, thông tuyến huyết mạch từ thôn ra trung tâm xã, thì ở thôn Cảo, xã Vân Nham, người dân cũng đồng loạt hiến đất, góp sức để mở rộng đường trục chính cho đạt chuẩn so với tiêu chí nông thôn mới. Ngay đầu năm 2012, xã Yên Vượng đã vận động nhân dân ở các thôn Ao Sen, Lầm Thượng, Lầm Hạ và Mỏ Tối tự lùi hàng rào, hiến đất ruộng, thậm chí dỡ bỏ cả một số công trình kiến trúc để cải tạo đường giao thông liên thôn dài gần 4km, chiều rộng đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, còn nhiều các tấm gương cá nhân hiến đất để xây dựng các công trình công cộng khác như ở xã Tân Lập, Hòa Lạc…Nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhận thức về nông thôn mới của nhân dân Hữu Lũng đã có sự chuyển biến rõ nét. Các tầng lớp nhân dân không chỉ chung sức để cải tạo hệ thống hạ tầng nông thôn mà còn rất chủ động trong việc tạo ra các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, đồng thời tham gia cùng các cấp chính quyền trong lập quy hoạch và xây dựng đề án.
Ông Hoàng Thế Hưng, Trường phòng NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hữu Lũng khẳng định: phương châm của huyện là vừa nghiên cứu, vừa bắt tay vào triển khai ngay, có làm thì mới biết đang vướng ở đâu và những vướng mắc ấy sẽ ngay lập tức được trao đổi lại, xin ý kiến Ban chỉ đạo của tỉnh để giải quyết kịp thời. Với tinh thần chủ động ấy, ngay khi các địa phương khác trong tỉnh đang còn tranh luận về việc tổ chức và kiện toàn các ban quản lý, ban chỉ đạo ở cấp xã, thì 25/25 xã trên địa bàn Hữu Lũng đã kiện toàn cả ban quản lý và ban chỉ đạo. Ngay sau đó, 105 thôn đã thành lập Ban phát triển thôn và 5 xã được chọn làm điểm của huyện đã thành lập tổ khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn của xã để phục vụ cho công tác lập quy hoạch. Vướng mắc trong khâu nào, tổ công tác giúp việc của huyện nghiên cứu để giải quyết ngay ở khâu ấy, đồng thời tổ chức tập huấn cho tất cả các địa phương.
Sơ chế gỗ tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng
Nhờ đó, đến thời điểm này, 18 xã trong diện lập quy hoạch nông thôn mới đã hoàn thành quy hoạch chung. Các cấp có thẩm quyền đã thẩm định được 8 xã và phê duyệt đồ án của 5 xã. Đặc biệt là trong khi rất nhiều địa phương khác đang vướng mắc ở khâu lập đề án xây dựng nông thôn mới, thì ở Hữu Lũng, 5 xã chọn làm điểm đã hoàn thành. Ông Hưng chia sẻ kinh nghiệm: muốn lập được đề án đạt yêu cầu về chất lượng, Ban chỉ đạo của huyện phải chủ động giúp đỡ, hướng dẫn các xã, đồng thời lãnh đạo xã cũng cần nỗ lực hết mình, như xã Vân Nham vừa qua chẳng hạn, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã phải làm việc cả trong ngày nghỉ, ngày lễ. Song song với việc triển khai công tác chuyên môn, các tổ chức đoàn thể của huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền cho nhân dân, đồng thời cùng với cơ quan chuyên môn tổ chức các mô hình phát triển sản xuất và dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến tháng 4/2012, toàn huyện đã triển khai được 60 mô hình khuyến nông với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng và mở 23 lớp dạy nghề nông thôn cho gần 1.000 nông dân tham dự. Cũng trong khoảng thời gian này, nhân dân trong toàn huyện đã đóng góp hơn 4,5 tỷ đồng, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước phát triển hạ tầng nông thôn.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Hữu Lũng đã trở thành điểm sáng phía Nam Lạng Sơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()