LSO-Năm 2010 đã qua đi với nhiều sự kiện lớn của tỉnh và của đất nước được tổ chức. Năm qua cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những thành quả mà nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị Quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Vững tin bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn đã và đang ra sức cho công cuộc mới – Công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.Sơ lược về nông thôn Xứ LạngNhiều ý kiến cho rằng để xây dựng thành công nông thôn mới thì cần phải xác định được thực trạng của nông thôn Lạng Sơn hiện nay như thế nào? So với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thì ra sao?...Hay nói cách khác, chúng ta cần biết, ta đang có gì, để từ đó định hướng sẽ phải làm gì. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, khu vực nông...
LSO-Năm 2010 đã qua đi với nhiều sự kiện lớn của tỉnh và của đất nước được tổ chức. Năm qua cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những thành quả mà nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị Quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Vững tin bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn đã và đang ra sức cho công cuộc mới – Công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sơ lược về nông thôn Xứ Lạng
Nhiều ý kiến cho rằng để xây dựng thành công nông thôn mới thì cần phải xác định được thực trạng của nông thôn Lạng Sơn hiện nay như thế nào? So với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thì ra sao?…Hay nói cách khác, chúng ta cần biết, ta đang có gì, để từ đó định hướng sẽ phải làm gì. Với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, khu vực nông thôn Lạng Sơn tập trung tới 80,82% tổng dân số của toàn tỉnh, tức là khoảng trên 592 nghìn người. Bình quân dân số của một xã nông thôn là 2.700 người. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn được củng cố, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Cho đến nay, toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 90,3% số xã có đường ô tô đi lại được 4 mùa; lưới điện phát triển kịp thời với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, 100% số xã có điện lưới quốc gia, trong đó tỷ lệ số hộ được dùng điện nâng lên là 92%; đã có trên 1 nghìn công trình thuỷ lợi được đầu tư kiên cố, cùng với một hệ thống công trình thuỷ lợi nhỏ và hệ thống kênh mương nội đồng đã chủ động nước tưới cho trên 24 nghìn ha diện tích đất canh tác vụ xuân và hơn 16 nghìn ha vụ mùa; mạng lưới bưu chính viễn thông có độ phủ khá tốt, với 66,18% số xã có điểm phục vụ bưu chính, 100% số xã có điện thoại và 100% trung tâm huyện được phủ sóng di động, 91,3% số xã có đường truyền dẫn bằng cáp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của nhân dân…Hệ thống hạ tầng văn hoá xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống cũng có những bước phát triển mới.
|
Dân quân tự vệ huyện Cao Lộc tham gia tu sửa trường tiểu học xã Hợp Thành – Ảnh: Dương Nguyên |
Tuy đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng với một xuất phát điểm rất thấp, cho đến nay Lạng Sơn vẫn là một tỉnh nghèo so với trình độ phát triển trung bình trong cả nước. Ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 491 ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Bộ tiêu chí đã đưa ra các chỉ tiêu toàn diện về quy hoạch, hạ tầng, kinh tế, tổ chức sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường và hệ thống chính trị. Nếu đối chiếu với bộ tiêu chí này thì ở Lạng Sơn, mới chỉ có một vài địa phương đạt được một số tiêu chí trong 19 tiêu chí đã được ban hành. Nhìn vào thực trạng đó có thể thấy, để xây dựng thành công nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn còn rất nhiều khó khăn, thử thách trước mắt. Điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực của toàn tỉnh, như đồng chí Phùng Thanh Kiểm, Bí thư Tỉnh uỷ đã phát biểu: Phải coi đây là cuộc vận động toàn diện, đưa xây dựng nông thôn mới thành quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng nhất là phải phát huy tối đa vai trò của chủ thể, vậy chủ thể của nông thôn mới là ai?
Xây dựng nông thôn mới – Nông dân là chủ thể
Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vì vậy nông dân chính là chủ thể của nông thôn mới. Có nhiều ý kiến cho rằng xây dựng nông thôn mới sẽ cần phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn từ nhà nước. Về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã khẳng định: Trước tiên phải xác định đây không phải là dự án để chờ đầu tư mà đây là một chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội; cần phải hiểu rõ vai trò của nhân dân, của cộng đồng là chủ thể xây dựng nông thôn mới tại địa bàn, lấy nội lực là căn bản. Nội lực ở đây bao gồm công sức, tiền của do người dân và cộng động đóng góp để chỉnh trang nơi ở của chính gia đình mình như xây dựng nâng cấp nhà cửa; xây dựng các công trình vệ sinh… Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để có thu nhập cao; đóng góp xây dựng các công trình công cộng của làng xã như giao thông, thuỷ lợi, vệ sinh công cộng…Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
|
Nông nghiệp giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người dân Lạng Sơn – Ảnh: Thanh Đàn |
Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy vai trò quan trọng có tính quyết định của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng thành công nông thôn mới, thì tự bản thân mỗi người nông dân cần phải có khát vọng làm giàu chính đáng, phải đánh tan được “sức ì” tồn tại từ lâu trong một bộ phận người dân nông thôn Xứ Lạng. Nâng cao trình độ lao động nông nghiệp là một yếu tố cũng cần phải tính đến, theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ lao động nông nghiệp đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh chỉ có 19,2%, trong khi đó thời gian sử dụng lao động nông nghiệp cũng rất lãng phí, số giờ làm việc trong ngày chỉ khoảng 3-4 giờ. Nếu những tỷ lệ này được nâng lên, thì rõ ràng là sẽ tạo ra được một giá trị khổng lồ sức lao động mới, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới… Ngoài ra còn có những nguồn chính để xây dựng nông thôn mới như vốn đầu tư của doanh nghiệp; vốn tín dụng bao gồm cả đầu tư phát triển và thương mại; nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…Đây là những nguồn rất quan trọng để các địa phương có thể đầu tư, xây dựng những công trình trọng điểm.
Cụ thể hoá quyết tâm
Cụ thể hóa quyết tâm xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định nhiệm vụ: “Phát triển nông lâm nghiệp toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”. Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đã được kiện toàn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, theo lộ trình, trong giai đoạn 2010-2015, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh có từ 1-2 xã đạt xã nông thôn mới và trong giai đoạn 2016-2020 Lạng Sơn phấn đấu xây dựng 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2019 phấn đấu có 40% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hết năm 2020 có 60% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay tỉnh cũng đã lựa chọn quy hoạch xây dựng 5 xã điểm nông thôn mới là Mai Pha (thành phố), Tô Hiệu (Bình Gia), Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng), Chi Lăng (Chi Lăng) và xã Chi Lăng (Tràng Định). Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên.
|
Xây dựng nông thôn mới ở xã điểm Chi Lăng (huyện Chi Lăng) |
Hiện nay, theo Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, một số huyện trong tỉnh đã và đang kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện và tiến tới kiện toàn Ban chỉ đạo cấp xã. Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: Hiện nay, Ban chỉ đạo đang khẩn trương triển khai xây dựng quy hoạch cho các xã điểm nông thôn mới, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, lúng túng về thực hiện và ngay cả sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong ban chỉ đạo cũng chưa thật rõ ràng; tất cả những vấn đề này hiện đang được tập trung tháo gỡ. Ông Đạt khẳng định: Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của những địa phương đi trước, tin rằng những lúng túng ban đầu sẽ nhanh chóng qua đi và 2011 sẽ có nhiều đột biến trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Vui mừng với những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, nhìn nhận, phân tích một cách thấu đáo những hạn chế còn tồn tại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đang tự tin vững bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2011-2015, cũng là năm bản lề, đặt nền móng đầu tiên cho xây dựng nông thôn mới trên quê hương Xứ Lạng.
Lê Minh
Ý kiến ()