Xây dựng nông thôn mới: Chắt chiu nguồn lực
LSO-Tập trung nguồn lực để tạo ra điểm, nhưng nếu điểm không thể hiện được vai trò thì nguồn lực sẽ chuyển sang các địa phương triển khai thực hiện tốt, đó là quan điểm của Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới.
LSO-Tập trung nguồn lực để tạo ra điểm, nhưng nếu điểm không thể hiện được vai trò thì nguồn lực sẽ chuyển sang các địa phương triển khai thực hiện tốt, đó là quan điểm của Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Quan điểm này đã được đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt rõ trong các cuộc kiểm tra vừa qua.
Nhân dân xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng góp sức thi công đường Nà Pán – Cốc Mặn từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới |
Là một tỉnh nghèo, với nguồn lực ít ỏi, Lạng Sơn không thể đầu tư xây dựng nông thôn mới dàn trải cho tất cả các xã trên địa bàn. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai chương trình, Ban chỉ đạo tỉnh đã xác định chắt chiu những nguồn lực ít ỏi ấy tập trung cho một số địa phương tạo sức bật nhanh, hình thành các mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể các điểm tập trung nguồn lực được xác định là 5 xã điểm của tỉnh và 30 xã điểm của các huyện, phấn đấu đưa các địa phương này cơ bản hoàn thành nông thôn mới trong năm 2015. Hướng đi của tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và hiệu quả thiết thực. Được dồn những nguồn lực lớn hơn, các địa phương có điều kiện để triển khai những công trình, dự án hỗ trợ sản xuất “ra tấm ra món”.
Như xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chẳng hạn, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình, địa phương đã hình thành được mô hình chăn nuôi lợn nái rộng khắp trong toàn xã. Chi sau gần 3 năm triển khai thực hiện, không những đàn lợn được nhân rộng mà nguồn vốn hỗ trợ còn được duy trì để luân phiên điều chuyển cho các gia đình trên địa bàn. Trong khi đó với những nguồn lực đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, địa phương đã năng động trong cách tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Không những hiến đất tạo mặt bằng sạch cho các công trình, nhân dân địa phương còn đóng góp thêm tiền để công trình khang trang hơn, phục vụ nhu cầu của nhân dân được tốt hơn. Với cách làm như vậy, hiện nay xã Chi Lăng đã đạt 11/19 tiêu chí và dự kiến hết năm 2013 sẽ cơ bản đạt 14-15 tiêu chí, đảm bảo tiến độ về đích trong năm 2015.
Cũng như xã Chi Lăng, xã điểm Tô Hiệu, huyện Bình Gia cũng tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư của nhà nước để tạo ra sự đồng thuận trong toàn dân, từ đó phát huy sức mạnh từ cộng đồng. Từ những con đường bê tông liên thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nhân dân đồng lòng góp sức xây dựng nhà văn hóa thôn, củng cố hệ thống thủy lợi và tích cực tìm những hướng sản xuất mới. Công trình mới, nếp sống cũng mới, đám cưới, lễ hội được tổ chức tập trung tại một điểm đã quy định sẵn, tăng thêm tinh thần cố kết cộng đồng. Đến nay Tô Hiệu đã cơ bản đạt 12 tiêu chí, dự kiến hết năm 2014 sẽ cơ bản đạt nông thôn mới. Đó chính là hiệu quả từ sự năng động, sáng tạo trong triển khai các nguồn lực đầu tư.
Thế nhưng không phải xã điểm nào cũng được như vậy. Còn nhớ năm 2011, khi bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, xã điểm Chi Lăng, huyện Tràng Định rà soát cơ bản đạt 6 tiêu chí, thì sau 3 năm triển khai thực hiện số tiêu chí đạt vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí qua kiểm tra, một số thành viên trong Ban chỉ đạo tỉnh còn cho rằng, nếu rà soát kỹ, địa phương này chẳng có đến 6 tiêu chí đạt chuẩn. Như vậy là bao nhiêu nguồn lực của tỉnh tập trung trong những năm qua chưa phát huy được tác dụng. Những chương trình như hỗ trợ phát triển sản xuất hầu như không rà soát được hiệu quả đến đâu và cũng không thể duy trì được nguồn vốn hỗ trợ. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu thực trạng: có một số địa phương là xã điểm nhưng chưa thực sự cố gắng, nỗ lực, còn tư tưởng trông chờ, những địa phương này nếu không có chuyển biến, tỉnh sẽ rà soát lại để điều chuyển, hướng nguồn lực vào các địa phương khác làm tốt hơn, mặc dù những địa phương ấy không phải là xã điểm.
Thực tế, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới cũng có nét khá tương đồng với phong trào giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cách đây hơn chục năm. Khi ấy tỉnh cũng nỗ lực để tạo ra các điểm sáng, nhưng đồng thời cũng kiểm tra, rà soát và nếu điểm không phát huy vai trò thì nguồn xi măng sẵn sàng ưu tiên cho nơi khác làm tốt hơn, biết chắt chiu nguồn lực hỗ trợ hơn. Chính từ chủ trương này đã góp phần quan trọng đưa phong trào làm đường giao thông nông thôn trở thành phong trào thi đua rộng khắp và đạt được kết quả như ngày nay.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()