Xây dựng nông thôn mới: Bước chuyển vùng biên
(LSO) – Là một tỉnh miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nông thôn Lạng Sơn đã có những chuyển biến rõ nét.
Nỗ lực vượt khó
Bắt tay vào xây dựng NTM, năm 2010, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh mới đạt 2,57 tiêu chí/xã. Trong đó chỉ có 1/207 xã đạt 10 đến 14 tiêu chí; 22/207 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 184/207 xã đạt dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 8,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn gần 35%…
Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập bê tông hóa giao thông
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác tổ chức bộ máy thực hiện chương trình xây dựng NTM được thành lập theo quy định và thường xuyên được kiện toàn. Giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các nội dung cụ thể của chương trình cho ban chỉ đạo cấp huyện và cơ sở chủ động triển khai; các sở, ban, ngành chủ động xây dựng kế hoạch để chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Bên cạnh đó cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh trong xây dựng NTM có nhiều đổi mới, linh hoạt hơn, phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn, qua đó tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nhiều xã đã vượt khó để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM. Xã Mông Ân (xã đặc biệt khó khăn), huyện Bình Gia là một ví dụ. Ông Hoàng Văn Ấn, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Năm 2011, xã mới đạt 1/19 tiêu chí NTM; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 72%…. So với bộ tiêu chí về NTM thì còn khoảng cách rất lớn. Để thực hiện các tiêu chí, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức thực hiện các tiêu chí. Tiêu chí dễ, tốn ít nguồn lực làm trước. Từ đó, số tiêu chí của xã tăng qua từng năm và đến năm 2018, xã xuất sắc hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Cùng với xã Mông Ân, nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn để từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Diện mạo mới
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cho biết: Với quyết tâm chính trị cao, cách làm chủ động, sáng tạo, tích cực và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sau gần 10 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.
Người dân xã Mai Sao, huyện Chi Lăng làm cầu dân sinh
Tính đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có 48/207 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và dự kiến hết năm 2019 sẽ có 61 xã đạt chuẩn; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 10,4 tiêu chí/xã, tăng 7,8 tiêu chí so với năm 2011, không còn xã dưới 5 tiêu chí; 2 xã cơ bản hoàn thành 14/14 tiêu chí xã NTM nâng cao; xây dựng 49 khu dân cư kiểu mẫu…
Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét. Giai đoạn 2010 – 2019, toàn tỉnh đã mở mới được 730 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 3.165 km đường bê tông; 100% số xã có điện lưới quốc gia; xây dựng mới và sửa chữa 137 trạm y tế; 81/207 xã có nhà văn hóa, 168/207 xã có sân tập thể thao; 96,7% số thôn có nhà văn hóa; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính và có hạ tầng viên thông, có 2.457 trạm phủ sóng thông tin di động tại khoảng 1.000 vị trí; hỗ trợ xây dựng mới sửa chữa trên 5.300 ngôi nhà cho các hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách…
Bên cạnh đổi thay về hạ tầng, công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm chỉ đạo. Giai đoạn 2010 – 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 379 mô hình phát triển sản xuất tại 77 xã với 13.828 hộ tham gia. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các xã NTM được nâng lên rõ rệt; an ninh trật tự được giữ vững, môi trường được đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Diện mạo của thôn thay đổi rõ nét từ khi xây dựng NTM. Nhà văn hóa thôn, sân thể thao được nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con trong thôn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đường làng ngõ xóm được bê tông sạch sẽ, trồng hoa hai bên đường; các tường rào cây xanh mọc lên khắp thôn… Hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống sinh hoạt cũng như phát triển sản xuất của người dân, từ đó thôn Hồng Phong 1 trở thành một trong những khu dân cư kiểu mẫu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Từ những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn trong giai đoạn 2010-2019, bước sang năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả rõ nét hơn nữa. Cụ thể năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 16 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 77 xã; giai đoạn 2011 – 2025 phấn đấu mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; hết năm 2025, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 14,5 – 15 tiêu chí, phấn đấu thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới
(LSO) – Từ sự chung tay, góp sức của người dân đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Trường, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng: “Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát huy sức dân xây dựng NTM”.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động được huyện tập trung triển khai thực hiện. Giai đoạn 2010 – 2019, huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền lồng ghép về chương trình xây dựng NTM được 4.516 cuộc với 250.460 lượt người tham dự; tổ chức tuyên truyền chuyên đề về xây dựng NTM được 50 cuộc với 3.570 lượt người tham dự. Thông qua tuyên truyền, vận động đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM. Giai đoạn 2011 – 2019, nhân dân trên địa bàn đã hiến đất, đóng góp ngày công, góp tiền mua vật liệu với tổng trị giá hơn 70 tỷ đồng. Từ sự chung tay góp sức của người dân đã góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình: “ Phát huy sức dân từ các phong trào thi đua”.
Để phát huy được sức dân trong xây dựng NTM, trong những năm qua, huyện Lộc Bình đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Lộc Bình cùng cả nước chung sức xây dựng NTM”. Qua đó, giai đoạn 2010 – 2019, trên địa bàn huyện đã có 125 hộ gia đình hiến 26.794 m2 đất; nhân dân đóng góp tiền mặt và ngày công lao động gần 50 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng NTM như: trường học, đường giao thông nông thôn… Đến nay, huyện Lộc Bình có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí; trung bình mỗi xã đạt 8,66 tiêu chí, tăng 5,66 tiêu chí/xã so với năm 2011.
Anh Hoàng Văn Nguyên, thôn Nà Mèo, xã Hòa Bình, huyện Bình Gia: “Không tiếc “tấc vàng” để chung tay xây dựng NTM”.
Trước đây trên địa bàn xã Hòa Bình đã có trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, tuy nhiên diện tích nhỏ không đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh nhà trường. Được sự tuyên truyền của xã, ngay khi cấp trên có chủ trương xây dựng trường, để tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong xã có trường học vừa ở vị trí thuận lợi, vừa đảm bảo diện tích học tập, vui chơi, năm 2018, gia đình tôi đã hiến hơn 5.000 m2 đất để xây dựng trường học cùng sân chơi bãi tập. Tôi mong muốn việc làm của mình sẽ lan tỏa để nhiều hộ dân khác tích cực hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng NTM.
Sau gần 10 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến trên 209 ha đất, hàng chục nghìn loại cây cối, hoa màu; trên 3,8 triệu ngày công lao động để làm đường giao thông và xây dựng các công trình hạ tầng NTM. |
Ý kiến ()