Xây dựng nông thôn mới: Bước chuyển từ Nghị quyết 20
– Với những khó khăn đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, Lạng Sơn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thiếu cả lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Trong bối cảnh ấy, ngày 12/8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020, đây là định hướng rất quan trọng, vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa bao quát, toàn diện, đề ra những mục tiêu lâu dài trong cả giai đoạn, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, từ đó thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất địa đầu Xứ Lạng.
Gian nan chặng đường đầu
Tháng 2/2011, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù trước đó đã có rất nhiều cuộc họp để bàn thảo về chương trình này; các tiêu chí, hướng dẫn của trung ương đã được quán triệt, hướng dẫn tới lãnh đạo các huyện, thành phố, nhưng ngay tại hội nghị, rất nhiều ý kiến bên lề còn hồ nghi về tính thực tiễn của nông thôn mới: Lạng Sơn còn khó khăn thế, xuất phát điểm thấp, các tiêu chí thì cao vời vợi lại trải rộng trên tất cả các lĩnh vực, liệu chúng ta có làm được?
Để có cái nhìn trực quan về nông thôn mới, sau hội nghị, tỉnh tổ chức tham quan thực tế mô hình tại xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang – mô hình điểm do Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo. Thế nhưng, lúc bấy giờ mô hình này chưa hoàn thiện mà kinh phí đầu tư đã lên tới ngót nghét 100 tỷ đồng. Kinh phí này để bố trí cho cả tỉnh còn khó khăn, chưa nói đến chuyện bố trí cho một xã, mà mỗi xã của Lạng Sơn lúc bấy giờ chỉ đạt 2,57 tiêu chí/xã, trong đó có tới 55 xã “trắng” tiêu chí.
Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng phát triển mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế
Cũng bởi vậy mà trong quãng đầu tiên này đã xuất hiện không ít những tâm lý buông xuôi, thiếu quyết tâm. Theo chỉ đạo của tỉnh, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện phải do chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; ở cấp xã, bí thư đảng ủy làm trưởng ban chỉ đạo, còn chủ tịch UBND xã làm trưởng ban quản lý xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, không ít huyện, xã giao cho cấp phó đảm nhiệm các vị trí này.
Cùng đó, xuất hiện tâm lý ỷ lại, trông chờ nhà nước, như việc thay vì vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế để đạt tỷ lệ tham gia bảo hiểm, thì một số xã lại đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí để cấp miễn phí bảo hiểm cho người dân (mặc dù không phải đối tượng)…
Đồng chí Lê Thị Thanh Nhàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010 – 2015), nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh) cho biết: Rất nhiều khó khăn đặt ra, nhưng khó nhất là nhận thức của cán bộ chưa thông, điều đó đặt ra nhiệm vụ là cơ quan thường trực phải tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng dự thảo một nghị quyết về nông thôn mới, trình Tỉnh ủy ban hành, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức để triển khai thực hiện chương trình.
Luồng gió mới từ Nghị quyết 20
Từ những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, ngày 12/8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 20 về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2021. Trong đó, nghị quyết đã xác định các quan điểm rất quan trọng: Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh; vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, đòi hỏi các cấp, ngành phải kiên trì, bền bỉ quyết tâm cao; người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ… Đồng thời nghị quyết cũng đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Ngay sau đó, nghị quyết được quán triệt sâu, rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân; bộ máy triển khai chương trình được thiết lập, kiện toàn thống nhất từ tỉnh tới cơ sở; UBND tỉnh phát động phong trào thi đua cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu xây dựng các đề án phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, huy động các nguồn lực để thực hiện toàn diện các tiêu chí; các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, đơn vị đều thi đua xây dựng các mô hình như: Hội Liên hiệp Phụ nữ có phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”; Đoàn Thanh niên phát động phong trào “Thắp sáng đường thôn”, xây dựng mô hình thôn “Sáng – xanh – sạch – đẹp”…
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tác động sâu sắc đến nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với cấp uỷ, chính quyền cơ sở – nơi trực tiếp triển khai chương trình.
Đồng chí Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Thấm nhuần các quan điểm, nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết 20, chúng tôi xác định: muốn xây dựng thành công nông thôn mới phải phát huy vai trò của chủ thể, tuy nhiên, để khơi gợi sức dân thì cán bộ, đảng viên phải đi đầu, thực hiện trước và mọi công việc đều phải công khai, minh bạch để người dân được biết, được bàn và tổ chức triển khai.
Với hướng đi ấy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Chi Lăng đã có cách làm rất táo bạo, một số đồng chí trong ban chấp hành mà tiên phong là Bí thư Đảng ủy thế chấp “sổ đỏ” của gia đình vay ngân hàng, ứng trước tiền giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình nông thôn mới theo quy hoạch, người dân đóng góp hoàn trả sau; phân công đảng viên đến từng thôn, từng nhà để vận động mở rộng đường sá, làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa…
Những cách làm quyết liệt, sáng tạo ấy đã khơi dậy sự đồng thuận trong toàn dân. Trong giai đoạn 2011 – 2020, Nhân dân xã Chi Lăng đã chung sức, đồng lòng đóng góp trên 140 tỷ đồng, giải phóng hơn 30 nghìn mét vuông mặt bằng và huy động hàng vạn ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến năm 2014, xã Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2019, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2023 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đây là sự kiện rất quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xây dựng nông thôn mới và đây cũng là mô hình nông thôn mới hiện thực trên địa bàn tỉnh để các xã khác tham quan, học tập.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh khẳng định: Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tạo sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng nông thôn mới. Mỗi bước đi là thêm rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, chẳng hạn như ban đầu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ xác định địa bàn triển khai chung chung là địa bàn nông thôn, nhưng sau đó địa bàn được xác định rõ là tập trung triển khai từ địa bàn thôn; ban đầu hỗ trợ sản xuất còn dàn trải, thì sau này tập trung hỗ trợ mô hình có triển vọng phát triển, xác định quan điểm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng nông thôn mới…
Những bước chuyển đột phá
Xuất phát từ thực tiễn và giải quyết đúng đắn các vấn đề thực tiễn đặt ra, Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã từng bước khắc phục được những lúng túng, khó khăn trong chặng đường đầu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thành quả lớn lao nhất chính là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nông thôn mới. Người dân đã thực sự hiểu và phát huy được vai trò của chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và cấp uỷ, chính quyền các cấp cũng đã thể hiện rõ nét vai trò định hướng, hỗ trợ.
Từ năm 2011 đến nay, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên toàn tỉnh đã đóng góp trên 2.228 tỷ đồng (gồm tiền mặt; ngày công và hiến đất quy ra tiền), bằng 19% nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình nông thôn mới (mục tiêu đặt ra là từ 10% trở lên). Qua đó, trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã bê tông hoá và mở mới thêm 3.895 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá 1.388 km kênh mương nội đồng; nâng tổng số xã đạt tiêu chí giao thông lên 76 xã và 168 xã đạt tiêu chí thuỷ lợi. Hệ thống hạ tầng trong các lĩnh vực khác như: điện, thông tin và truyền thông; thương mại nông thôn, giáo dục… cũng không ngừng được củng cố.
Trong sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng, năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng 1,37 lần so với năm 2015. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng được triển khai có hiệu quả; an ninh, trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo…
Với những chuyển biến toàn diện đó, đến nay, toàn tỉnh có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 35,91%; bình quân mỗi xã đạt 12,97 tiêu chí; có 6 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 47 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 73 thôn biên giới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Những kết quả đạt được trong 10 năm triển khai Nghị 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là rất quan trọng, tạo đà để triển khai thực hiện chương trình hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Lý Việt Hưng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, từng bước đi vào chiều sâu, thực chất, bền vững và để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, hiện nay, sở đang phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 63,5% (bình quân mỗi năm có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới); bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 15 tiêu chí trở lên, không có xã dưới 10 tiêu chí; xây dựng và công nhận 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm một huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Với những thành tựu và bài học kinh nghiệm sâu sắc, toàn diện rút ra sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, tin tưởng rằng, những mục tiêu cụ thể về xây dựng nông thôn mới đặt ra trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục được toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn thực hiện thắng lợi, góp phần quan trọng xây dựng Xứ Lạng ngày một mạnh, giàu
Ý kiến ()