Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Kim Chung
Kim Chung là xã điểm của huyện Hoài Ðức, TP Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2013, Kim Chung đã đạt 97/100 điểm theo thang điểm chuẩn NTM và chính thức được TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng NTM công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, để NTM tại Kim Chung phát triển bền vững vẫn còn không ít những khó khăn.
Khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Theo Bí thư Ðảng ủy xã Kim Chung Nguyễn Hữu Cường, nội lực để Kim Chung sớm cán đích NTM phải kể đến sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người dân. Ðó là cuộc “cách mạng” trong chuyển đổi phương thức sản xuất từ thuần nông sang chăn nuôi thủy sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ, ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp. Hiện trên địa bàn xã Kim Chung có hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động, sáu trường học và nhiều dự án lấy đất nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Lao động trong nông nghiệp hiện chỉ còn 820 người (chiếm tỷ lệ 14,4%), lao động ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 1.530 người (chiếm 26,9%) còn lại tập trung vào lĩnh vực dịch vụ thương mại là 3.342 người (chiếm 56%).
Nhờ phát triển mạnh ở lĩnh vực phi nông nghiệp, nên nguồn lực để Kim Chung xã hội hóa trong xây dựng NTM không gặp mấy khó khăn. Chỉ tính riêng về tiêu chí giao thông nông thôn, trục đường do xã quản lý dài 5,566 km đã được bê-tông hóa 100% theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Chưa kể trục thôn, liên thôn dài 11,960 km cũng đã được bê-tông hóa 100% đạt tiêu chuẩn của Bộ, ngoài ra còn có 15,4 km đường xóm rộng 2-3 m cũng đã được bê-tông hóa tạo thuận lợi cho người dân lưu thông. Năm 2013, xã đã triển khai thành công QÐ 16 của TP Hà Nội về kiên cố hóa đường giao thông ngõ, xóm được trên 11 tuyến với tổng chiều dài 1.103 m. Ðây là những tuyến đường do Nhà nước hỗ trợ tiền vật tư xây dựng nhưng người dân xã Kim Chung đã nỗ lực đóng góp ngày công lao động và số tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Ngoài làm nhanh, làm tốt tiêu chí về giao thông nông thôn, hầu hết các tiêu chí còn lại trong bộ 19 tiêu chí về NTM đều được Kim Chung thực hiện thuận lợi, trong đó tiêu chí thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đã tăng 23,8 triệu đồng gấp ba lần năm 2012. Ðây là kết quả rất đáng khâm phục bởi không phải địa phương nào trong huyện Hoài Ðức cũng có thể dễ dàng đạt được.
Chung tay để NTM phát triển bền vững
Dù Kim Chung đã đạt chuẩn NTM dựa trên những nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội vững chắc. Nhưng vẫn còn đó không ít những mối lo. Ông Nguyễn Hữu Cường cho chúng tôi biết: Kim Chung đang trong giai đoạn đô thị hóa nên chịu nhiều ảnh hưởng của quy hoạch lấy đất phục vụ phát triển dẫn đến thu hẹp đất lúa, chưa kể dân số cơ học đang tăng nhanh đã và đang tạo sức ép rất lớn đến chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, đồng thời đặt ra bài toán cho các cơ quan chức năng về ngăn chặn các tệ nạn xã hội…
Lo lắng của ông Cường không phải không có cơ sở, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi người dân Kim Chung đang có những thay đổi cơ bản trong cách nghĩ, cách làm. NTM giống như đã mở ra cánh cửa để người dân Kim Chung tự tin hơn trong xu hướng hội nhập với đời sống đô thị. Trong kế hoạch phát triển của xã đã không còn hạng mục cho phát triển đường giao thông nội đồng do đất lúa đã bị thu hẹp, mà dành kinh phí nhiều hơn cho đầu tư công tác dạy nghề. Hiện Kim Chung đang có 7.114 người trong độ tuổi lao động thì có đến 6.474 lao động thường xuyên có việc làm (đạt hơn 90%). Ðiều đáng nói là số lao động có việc làm phần lớn được đào tạo ở hai lĩnh vực nấu ăn và sản xuất két bạc (số liệu năm 2012 của xã). Sự mất cân đối, thiếu đa dạng trong đào tạo nghề tại Kim Chung đã và đang tồn tại một thực tế là không thể thu hút được người dân tham gia. Nói về công tác đào tạo nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận cho biết: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa bảo đảm yêu cầu, nông dân không tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Tình, một người dân xã Kim Chung cho chúng tôi biết, anh có tham gia lớp học nấu ăn, nhưng để mở cửa hàng ăn hay đầu quân vào các nhà hàng thì không hề đơn giản, bởi không có vốn và kỹ thuật nấu ăn dù đã được đào tạo tại các lớp học nghề nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng…
Còn ông Nguyễn Văn Ba, một lão nông đã ngoại tứ tuần thì không giấu được sự tiếc nuối khi những bờ xôi, ruộng mật vốn là tài sản lớn của người nông dân nay nằm trong diện tích đất quy hoạch. Theo ông, xã cần mở các lớp tập huấn để người dân có đủ tự tin áp dụng KHCN vào sản xuất, đồng thời thâm canh gối vụ tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho những người nông dân vốn không còn nhiều thời gian để học nghề như ông.
Kim Chung hiện đang phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, nên có nhiều loại hình doanh nghiệp được mở ra, tạo điều kiện cho lao động địa phương có việc làm. Ðiều này cũng đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo xã phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý để theo kịp những chuyển biến của thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong đào tạo nghề, để từ đó làm tốt công tác quản lý nguồn nhân lực tại địa phương. Cuối cùng, dù phát triển theo hướng nào thì nông nghiệp vẫn phải được chú trọng. Có thể đất lúa đã bị thu hẹp do yêu cầu phục vụ sự phát triển nhưng vẫn cần được đầu tư thỏa đáng, cần tuyên truyền để người dân gắn bó với đất, làm giàu từ đất thông qua những lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy NTM mới thật sự bền vững.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()