Xây dựng nhiều chính sách trên cơ sở kết quả phân định miền núi, vùng cao
Sáng 10-5, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao - kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra”. Gần 100 đại biểu đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh miền núi, vùng cao cả nước tham dự.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận, làm rõ tính khoa học, mức độ phù hợp của các tiêu chí phân định; đánh giá kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao, giai đoạn 1993 – 2015; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, giai đoạn 2005 – 2015; tác động, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đề xuất khả năng, lựa chọn cách tiếp cận phù hợp về phân định đơn vị hành chính xã, huyện, tỉnh miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Đồng thời, phân tích, làm rõ những khó khăn, bất cập, làm cơ sở cho việc cơ cấu lại các chính sách miền núi, dân tộc.
Miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm ¾ diện tích tự nhiên cả nước, dân số khoảng 25 triệu người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số hơn 13 triệu người, chiếm 14,5% dân số cả nước. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi có hơn 22 nghìn thôn, bản, phum, sóc và hơn năm nghìn xã, phường, thị trấn. Đây là địa bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch; địa bàn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và môi trường sinh thái. Đến nay, cả nước có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi; 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi; 2.529 xã vùng cao và 2.311 xã miền núi.
Xuất phát từ yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22, ngày 27-11-1989, về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi. Sau đó, năm 1992, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) công bố danh sách các xã, huyện và tỉnh là miền núi, vùng cao và năm 1995, công bố tiêu chí từng vùng cụ thể.
Từ kết quả hai hình thức phân định này, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã áp dụng vào việc xây dựng, triển khai những cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, có hiệu quả, giải quyết khó khăn đặc thù cho các địa bàn này, như: Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Bảo hiểm Y tế 2014, Luật Ưu đãi đầu tư; Nghị định 20 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; chính sách hỗ trợ, cấp thẻ bảo hiểm y tế; chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ công tác tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, và nhiều nghị định, thông tư khác…
Đồng bào dân tộc Nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()