Xây dựng nhãn hiệu tập thể quế Tràng Định: Tiền đề sản xuất hàng hóa
(LSO) – Năm 2019, sản phẩm quế của huyện Tràng Định nằm trong Top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Ban tổ chức chương trình khảo sát thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2019 công nhận. Cùng với đó, sản phẩm quế Tràng Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây chính là tiền đề để nông dân chuyên canh cây trồng này.
Quế là loại cây có nhiều công dụng như: giảm cholesterol, giảm lượng đường trong máu; giúp củng cố sức khỏe tim mạch, khống chế sinh sôi của các tế bào ung thư, kích thích hoạt động của não, giảm đau, cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường lưu thông máu…
Ở nước ta, quế được trồng nhiều ở một số tỉnh như: Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Lạng Sơn. Tại huyện Tràng Định, cây quế được trồng ở tất cả các xã, trong đó tập trung ở các xã: Đoàn Kết, Cao Minh, Khánh Long, Vĩnh Tiến, Tân Tiến, Kim Đồng…
Nông dân xã Cao Minh, huyện Tràng Định chăm sóc cây quế
Bà Nông Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tràng Định, chủ nhiệm dự án “xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho sản phẩm quế của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn” cho biết: Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016, bà con trên địa bàn huyện trồng được trên 2.000 ha quế. Một số xã có diện tích lớn như: Đoàn Kết, trên 730 ha; Cao Minh 249 ha; Tân Tiến 293 ha. Với giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg vỏ quế khô, mật độ trồng 2.500 cây/ha có thể cho thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha/năm. Hiện sản phẩm quế khô của huyện Tràng Định chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, thủ đô Hà Nội và một phần nhỏ xuất sang Trung Quốc.
Năm 2019, nông dân bán quế khô với giá trên 50.000 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây quế khá cao nên được người dân trên địa bàn tích cực phát triển. Những năm gần đây quế không chỉ là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập mà còn là cây trồng giúp nhiều nông dân làm giàu.
Thực hiện mục tiêu từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là tăng thêm thu nhập cho nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định triển khai “xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho sản phẩm quế của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2019.
Triển khai dự án, vùng nguyên liệu quế được quy hoạch là tất cả các xã trên địa bàn huyện Tràng Định. Cùng đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; xây dựng quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, bảo quản quế; xây dựng bộ tem nhãn, bao bì và quy chế sử dụng. Tháng 10/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” đối với sản phẩm quế của huyện. Đây là tin vui đối với người trồng quế trên địa bàn.
Bà Bế Thị Vui, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi có gần 5 ha quế. Hiện nay, giá thu mua quế đang rất cao, nông dân không phải tìm đầu ra nên chúng tôi rất vui nhưng khá lo lắng về thị trường tiêu thụ trong những năm tới. Được biết, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể nên chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.
So với những cây trồng khác, trồng quế mất nhiều công chăm sóc nhưng giá trị lại cao hơn. Hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định đã chủ động vận động bà con sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP). Hiện đã có một số hộ tại xã Tân Tiến hưởng ứng tham gia với diện tích trên 50 ha. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng giá thành và vươn đến những thị trường có yêu cầu khắt khe hơn.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()