Xây dựng nhãn hiệu tập thể, nâng giá trị lạc đỏ Chi Lăng
- Thời gian qua, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây lạc đỏ, một trong những loại cây trồng đặc trưng của địa phương, huyện Chi Lăng đã quan tâm triển khai công tác xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.
Huyện Chi Lăng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng cây lạc đỏ. Đây cũng là một trong những huyện có diện tích trồng lạc lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Được biết, mỗi năm, toàn huyện gieo trồng khoảng 600 ha lạc đỏ, sản lượng trung bình trên 1.100 tấn, được trồng chủ yếu tại các xã: Bằng Mạc, Bằng Hữu, Vạn Linh.
Để nâng giá trị sản phẩm lạc đỏ, bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển vùng trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, chính quyền các xã vùng trồng lạc đỏ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các bước để xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Lạc đỏ Chi Lăng”. Theo đó, đầu năm 2023, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Chi Lăng, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn huyện Chi Lăng và Trường Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên đã phối hợp triển khai Dự án xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lạc đỏ huyện Chi Lăng.
Dự án triển khai tại tất cả các xã trồng lạc trên địa bàn huyện và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ chính quyền và người dân các xã. Ông Vi Văn Đạo, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Mạc, một trong những xã trồng lạc chủ yếu của huyện Chi Lăng cho biết: Những năm gần đây, bình quân mỗi năm người dân trên địa bàn xã trồng khoảng 160 ha lạc đỏ. Từ tháng 3/2023, khi Hội Làm vườn huyện làm việc với xã để thực hiện các nội dung dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lạc đỏ, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân triển khai.
Ông Nông Văn Duẩn, thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc cho biết: Năm 2023, gia đình tôi gieo trồng 4 sào lạc đỏ. Khi được xã tuyên truyền về dự án, gia đình tôi đã chủ động tham gia. Theo đó, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cụ thể về quy trình trồng, chăm sóc lạc theo hướng an toàn. Sau khi thu hoạch, năng suất lạc đỏ đạt khoảng 0,8 tạ lạc nhân/sào, tăng khoảng 0,2 - 0,3 tạ/sào so với những năm trước. Cùng với đó, chất lượng, mẫu mã hạt lạc cũng được nâng lên, hạt to đều, màu sắc đẹp hơn. Năm ngoái, gia đình tôi đã bán được gần 4 tạ lạc nhân, với giá bán dao động từ 88.000 – 92.000 đồng/kg, tăng từ 7.000 – 8.000 đồng/kg so với trước khi chưa thực hiện dự án, mang lại thu nhập trên 30 triệu đồng. Với năng suất và giá bán cao như vậy, năm nay, gia đình tôi tiếp tục gieo trồng 4 sào lạc theo đúng quy trình chăm sóc đã được hướng dẫn. Dự kiến vụ lạc này sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 6/2024.
Không riêng xã Bằng Mạc, việc thực hiện dự án được triển khai đồng bộ tại các xã trồng lạc trên địa bàn huyện Chi Lăng. Vụ lạc năm 2023, các đơn vị tư vấn thực hiện dự án đã tích cực phối hợp điều tra, khảo sát vùng trồng; hướng dẫn người dân thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản lạc đỏ đảm bảo chất lượng; tổ chức hội thảo góp ý nhằm thống nhất lựa chọn mẫu logo, tem, nhãn mác cho sản phẩm lạc đỏ huyện Chi Lăng... Kết thúc năm 2023, dự án được triển khai thành công, sản phẩm lạc đỏ của huyện có năng suất bình quân tăng 0,2 tạ/sào, hạt to đều đẹp, giá bán tăng từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg lạc nhân. Sau quá trình đánh giá kết quả dự án, cũng như hoàn thiện các thủ tục theo quy định, ngày 25/4/2024, sản phẩm lạc đỏ của huyện Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Chi Lăng”.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội làm vườn huyện Chi Lăng cho biết: Việc nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Chi Lăng” được bảo hộ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi trong quá trình mở rộng thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó, hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã vùng trồng tuyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ để ổn định đầu ra theo hướng liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, HTX thu mua, sản xuất và chế biến lạc.
Có thể thấy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lạc đỏ của huyện Chi Lăng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi để huyện Chi Lăng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương ra thị trường; đồng thời, đóng góp tích cực trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ý kiến ()