Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Nâng cao danh tiếng sản phẩm lạp sườn huyện Bình Gia
– Lạp sườn Bình Gia nổi tiếng bởi sự thơm ngon và hương vị đặc trưng của gừng núi. Xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho sản phẩm này sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, chất lượng, tạo sinh kế lâu dài cho người sản xuất trên địa bàn huyện.
Nguyên liệu chế biến lạp sườn gồm thịt nạc vai, mắm, muối, bột ngọt… nhồi vào lòng non đã được làm khô. Lạp sườn nhồi xong đem phơi nắng cho khô dần hoặc hong trên gác bếp để kéo dài thời gian bảo quản và tăng thêm hương vị. Kinh nghiệm của người dân Bình Gia là ướp thịt với rượu trắng và gừng núi được trồng trên núi đá cao của huyện. Với loại gừng núi này, lạp sườn Bình Gia có mùi thơm rất đặc trưng, màu đẹp, bảo quản được lâu. Huyện Bình Gia hiện có khoảng 30 hộ sản xuất, kinh doanh lạp sườn với sản lượng từ 2.000 đến 3.000 kg/hộ/năm. Lạp sườn Bình Gia có giá bán từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Những năm qua, nghề làm lạp sườn mang lại thu nhập ổn định cho một số hộ sản xuất ở huyện.
Ảnh minh họa
Thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị cho lạp sườn của huyện Bình Gia, UBND tỉnh đã đưa sản phẩm này vào Đề án triển khai kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030. Theo đó, dự án xây dựng NHTT cho sản phẩm lạp sườn của huyện Bình Gia được giao cho nhóm nghiên cứu do ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Inforest (Hà Nội) làm trưởng nhóm đảm nhiệm. Dự án được triển khai từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2022.
Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Lạp sườn Bình Gia là sản phẩm đặc sản của địa phương và đang có chiều hướng tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu, chỉ dẫn nào để người tiêu dùng biết sản phẩm đúng nguồn gốc, do đó khó có thể cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ trên địa bàn. Cùng đó, hình thức sản xuất, kinh doanh lạp sườn Bình Gia bộc lộ một số hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết giữa các cơ sở, không tuân theo một quy trình chuẩn về sản xuất nên chất lượng sản phẩm sẽ không đồng đều, dễ mất uy tín nếu không kiểm soát tốt, việc sản xuất và kinh doanh luôn ở thế bị động, thiếu tính bền vững.
Triển khai nhiệm vụ xây dựng NHTT cho sản phẩm lạp sườn Bình Gia, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu ngẫu nhiên sản phẩm lạp sườn tại 5 xã, thị trấn ở huyện để xác định các chỉ tiêu về cảm quan, phân tích hàm lượng tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật… Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu sinh hóa đều trong ngưỡng an toàn với người tiêu dùng. Nhóm đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của hơn 40 đại biểu thuộc các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện. Tại đây, các đại biểu đã thống nhất quy chế cấp, thu hồi quyền sử dụng NHTT lạp sườn Bình Gia, quy định về kiểm soát NHTT; hướng dẫn kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm lạp sườn Bình Gia. Song song với đó, nhóm thiết kế thành công bộ nhận diện thương hiệu cho NHTT lạp sườn Bình Gia; xây dựng quy hoạch sản xuất sản phẩm mang NHTT và được UBND tỉnh chấp thuận vùng sản xuất gồm tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; hoàn thành xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Lạp sườn Bình Gia”, trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng NHTT và cơ quan quản lý; tổ chức hướng dẫn 30 hộ sản xuất kinh doanh xây dựng hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng NHTT, đến nay đã có 23 hộ hoàn thành hồ sơ chờ cấp phép. Trong tháng 2/2022, đơn vị triển khai nhiệm vụ đã hoàn thiện và nộp hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp quyền sử dụng NHTT “Lạp sườn Bình Gia”.
Bà Lương Thị Duyên, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: Gia đình tôi đã sản xuất lạp sườn hơn 10 năm nay. Ngày thường, tôi làm từ 10 đến 20 kg/ngày, dịp giáp tết thì sản lượng tăng gấp nhiều lần. Khách hàng mua sản phẩm là người ở trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Sản phẩm này có thương hiệu và được bảo hộ thì sẽ được nhiều khách biết đến hơn. Lúc đó, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo chất lượng và thực hiện tốt hơn nữa các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được biết, để nâng cao danh tiếng, chất lượng sản phẩm trên thị trường, những tháng tiếp theo, UBND huyện Bình Gia sẽ hỗ trợ trên 35.000 bao bì, nhãn mác sản phẩm cho các cơ sở sản xuất ở huyện; tiếp tục hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký sản xuất để sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và phương tiện thông tin đại chúng nhằm quảng bá sâu rộng về sản phẩm cũng như nâng cao chất lượng và danh tiếng lạp sườn Bình Gia
Ý kiến ()