Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Khẳng định thương hiệu cao khô Vạn Linh
LSO- Cao khô là nguyên liệu chế biến món ăn được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, hầu hết các loại cao khô trên thị trường đều chưa có nhãn mác, vì vậy, người tiêu dùng khó phân biệt, khó chọn đúng loại mình cần. Chính vì vậy, để khẳng định chất lượng, thương hiệu cao khô Vạn Linh, huyện Chi Lăng đã và đang xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm này.
Xã Vạn Linh có hơn 100 hộ sản xuất cao khô với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, được cung cấp đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Do chưa được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nên chưa thu hút được sự quan tâm, liên kết sản xuất của các nhà tiêu thụ, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiêu thụ và giá của sản phẩm. Do phải phụ thuộc vào thời tiết nên thời điểm không thuận lợi, cao khô khan hiếm, giá 1 bó cao khô là 1.800 đồng. Tuy nhiên, khi thời tiết thuận lợi, bà con sản xuất được nhiều thì lại bị ép giá còn khoảng 1.400 đồng/bó. Để bảo vệ quyền lợi người sản xuất và khẳng định giá trị của thương hiệu cao khô Vạn Linh, tháng 12/2016, UBND huyện Chi Lăng phê duyệt dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Vạn Linh” cho sản phẩm cao khô Vạn Linh.
Cao khô Vạn Linh được bày bán tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
Cao khô Vạn Linh được sản xuất từ các loại gạo: đoàn kết, bao thai do người dân bản địa tự sản xuất. Từ lâu, sản xuất cao khô đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Nếu như trước đây, các công đoạn sản xuất cao khô được làm thủ công thì những năm gần đây, nhiều hộ đã chủ động đầu tư trang thiết bị, máy móc như: máy nghiền, máy tráng, dàn phơi, hệ thống xử lý nước thải… do đó, năng suất được nâng lên, sản phẩm sản xuất ra nhiều, chất lượng ổn định. Đặc biệt, cao khô Vạn Linh có những đặc trưng là sợi cao trắng, dai, thơm, đậm vị ngọt bùi của gạo. Vì vậy, cao khô Vạn Linh ngày càng được ưa chuộng. Bà Đào Thu Hà, chuyên cung cấp cao khô Vạn Linh tại chợ Bờ sông, thành phố Lạng Sơn cho biết: Do sản phẩm chưa có nhãn mác, thương hiệu nên nhiều khi tôi nói cao khô Vạn Linh, người mua không tin. Mong rằng cao khô Vạn Linh sớm có nhãn mác để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Ông Vy Thiện Việt, Phó Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Vạn Linh” cho sản phẩm cao khô Vạn Linh là dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm khẩn trương hoàn tất hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Theo đó, huyện Chi Lăng đã phối hợp khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân trên địa bàn xã, xác định chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất là xã Vạn Linh. Hiện nay, công tác đăng ký mã vạch sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu hàng hóa, bao bì sản phẩm, tổ chức các lớp tập huấn… đang tích cực được triển khai.
Chị Vy Huyền Điệp, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Khi sản phẩm có tem mác, truy xuất được nguồn gốc người tiêu dùng chúng tôi chỉ cần nhìn vào là nhận biết được. Như vậy có thể mua được đúng sản phẩm chính hãng.
Dự kiến huyện Chi Lăng sẽ đón văn bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Vạn Linh” đối với sản phẩm cao khô vào tháng 8/2018. Khi được công nhận, uy tín của sản phẩm cao khô Vạn Linh được nâng cao, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ý kiến ()