Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Khẳng định danh tiếng quýt Tràng Định
(LSO) – Tháng 10/2018, nhãn hiệu tập thể quýt Tràng Định được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Đây chính là bước chuyển để người trồng quýt trên địa bàn thay đổi từ phương thức canh tác, sản xuất cũ sang hướng nông nghiệp tốt (VietGAP).
Quýt vàng huyện Tràng Định được trồng tập trung nhiều nhất ở các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Chi Lăng với tổng diện tích gần 500 ha. Trong đó, khoảng 350 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 12 tấn quả/ha, sản lượng đạt trên 4.200 tấn/năm, giá bình quân 20.000 đồng/kg đem lại thu nhập 240 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu lớn đối với nông dân trên địa bàn huyện.
Ông Lương Văn Hữu, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Nhãn hiệu tập thể đã được công nhận, tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải làm sao để thương hiệu được giữ vững và tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, chúng tôi còn vận động người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng VietGAP.
Nông dân xã Kim Đồng, huyện Tràng Định chăm sóc quýt
Theo quy hoạch, vùng trồng quýt của huyện Tràng Định được mở rộng ở tất cả các xã. Huyện đã thành lập tổ hợp tác sản xuất quýt vàng VietGAP xã Kim Đồng với 62 thành viên. Mỗi thành viên xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với diện tích từ 0,1 ha đến hơn 1 ha. Đây là những vườn mẫu để nông dân trên địa bàn học tập. Đồng thời đối với những đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu về sản phẩm quýt cũng như quýt chất lượng cao, đây chính là đầu mối kết nối. Cùng với đó, phòng chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân trên địa bàn sản xuất theo hướng VietGAP. Theo đó, đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có khoảng 100 ha quýt VietGAP, gấp đôi diện tích sản xuất theo hướng vietGAP năm 2017.
Anh Bế Văn Tấn, thôn Pác Đông, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Với 200 gốc quýt, tôi đang chủ động canh tác theo hướng VietGAP. Khi cây đã ra quả thì dùng các biện pháp xử lý thủ công hay bẫy bả để phòng trừ sâu bệnh chứ không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy vừa không độc hại cho người trồng và cũng an toàn cho người sử dụng. Hiện tôi đang tích cực cải tạo vườn trồng để quả quýt to, ngọt hơn, năng suất cao hơn.
Còn ông Hoàng Văn Tiến, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Gia đình tôi bắt đầu sản xuất theo hướng VietGAP từ năm 2017. Sau một thời gian sản xuất, tôi thấy làm theo hướng này không khó mà năng suất cao hơn, được giá hơn nên đã nhân rộng và chia sẻ kinh nghiệm cho bà con cùng làm.
Từ khi thực hành sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể, giá trị quả quýt của huyện Tràng Định tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 – 25.000 đồng/kg. Thương lái từ các tỉnh bạn cũng đến tận vườn thu mua. Chính vì vậy, đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định.
Cùng với đó, tháng 5/2019 vừa qua, ban tổ chức chương trình khảo sát thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2019 cấp chứng thư thẩm định nhãn hiệu quýt, quế, thạch đen huyện Tràng Định lọt top 50 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng. Qua đó, khẳng định giá trị, chất lượng quýt Tràng Định trên thị trường.
Thời gian tới, huyện Tràng Định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tập trung tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và đưa sản phẩm quýt đến các thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Ý kiến ()