Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh phổng Tràng Định: Nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống
– Bánh phổng hay còn gọi là bánh phồng, pẻng khua là một loại bánh truyền thống của người Tày huyện Tràng Định được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh biết đến và ưa chuộng. Thực hiện Đề án triển khai Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, từ tháng 4/2021, cơ quan, đơn vị liên quan đã nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) đối với sản phẩm này.
Bánh phổng được làm từ gạo nếp, khoai môn, nước tro…, sau khi rán có độ căng phồng, vàng ruộm, ngọt vừa phải, bên trong không bị rỗng mà có mạng xốp. Từ nhiều năm trước, loại bánh này chỉ được làm vào dịp tết để phục vụ gia đình, những năm gần đây, món ăn này được nhiều người ưa chuộng nên một số gia đình đã sản xuất đại trà, bán quanh năm. Để nâng tầm thương hiệu và thực hiện Đề án triển khai Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã lựa chọn Công ty TNHH Tư vấn phát triển thương hiệu Hoàng Trần, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội triển khai nhiệm vụ KH&CN “Xây dựng NHTT cho sản phẩm bánh phổng của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn”. Thời gian thực hiện nhiệm vụ từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2022.
Sản phẩm bánh phổng Tràng Định được người dân thành phố Lạng Sơn ưa chuộng
Triển khai nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hiện trạng sản xuất, kinh doanh bánh phổng tại huyện Tràng Định. Theo đó, toàn huyện hiện có 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng khối lượng từ 600 kg đến 1.000 kg bánh khô/năm, tập trung chủ yếu tại thị trấn Thất Khê và các xã lân cận. Cùng đó, nhóm đã sử dụng 4 kg bánh phổng khô và bánh thành phẩm tại nhiều điểm sản xuất, kinh doanh để xây dựng bộ tiêu chí xác định chất lượng NHTT bánh phổng Tràng định với các tiêu chí về cảm quan, quy trình sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm…; xây dựng vùng sản xuất gồm thị trấn Thất Khê và các xã: Đại Đồng, Chi Lăng, Đề Thám.
Ông Trần Mạnh Điệp, Phó Giám đốc Công ty NHH Tư vấn phát triển thương hiệu Hoàng Trần, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ cho biết: Qua khảo sát nắm tình hình cho thấy việc sản xuất, kinh doanh bánh phổng Tràng Định còn mang tính tự phát; sản phẩm chưa có thương hiệu riêng; chưa có tổ chức nào đứng ra quản lý, giám sát, phát triển sản phẩm. Tem mác chủ yếu là do các hộ sản xuất tự in. Việc quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức nên ít được người tiêu dùng ngoại tỉnh biết đến. Do sản xuất theo quy mô nhỏ, quy trình sản xuất truyền thống nên chất lượng sản phẩm không đồng đều; thị trường tiêu thụ không ổn định nên người sản xuất chưa yên tâm gắn bó với nghề.
Bắt tay thực hiện nhiệm vụ, trong tháng 5/2021, nhóm nghiên cứu đã tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho 120 đại biểu cho người quản lý, sản xuất và Nhân dân trên địa bàn huyện trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang NHTT. Qua đó, đã có 20 hộ sản xuất, kinh doanh nộp đơn đăng ký sử dụng NHTT bánh phổng Tràng Định. Tháng 9/2021, nhóm đã tiến hành lập hồ sơ gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Từ đầu năm 2022 đến nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng hệ thống văn bản quản lý và sử dụng NHTT “Bánh phổng Tràng Định” gồm: quy chế cấp, sửa đổi, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHTT; quy chế cấp tem nhãn, hướng dẫn sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang NHTT; xây dựng mẫu Bộ hồ sơ cấp quyền sử dụng NHTT Bánh phổng Tràng Định; xây dựng hệ thống biểu mẫu theo dõi, ghi chép phục vụ hoạt động quản lý NHTT. Bộ nhận diện thương hiệu với 30.000 tem truy xuất nguồn gốc, 10.000 tem nhãn, bao bì sản phẩm, 500 tờ rơi quảng cáo… hiện đang được hoàn thiện.
Ông Hoàng Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) cho biết: Chúng tôi đang có kế hoạch đưa các sản phẩm đặc sản của huyện và của tỉnh giới thiệu, giao lưu với các HTX trên cả nước, trong đó có sản phẩm bánh phổng. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện chưa có thương hiệu, nhãn mác, chứng nhận về chất lượng… nên chưa nâng tầm được giá trị, việc quảng bá cũng khó khăn hơn. Chúng tôi mong muốn sản phẩm sớm được bảo hộ thương hiệu để HTX và các hộ dân trên địa bàn thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm đặc sản này của huyện.
Việc xây dựng NHTT bánh phổng Tràng Định sẽ tạo ra cơ chế quản lý, giám sát, từ đó, sản phẩm đưa ra thị trường được sản xuất theo quy trình thống nhất, chất lượng đồng đều, tạo được uy tín với người tiêu dùng, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập hơn nữa trong thời gian tới. Đây cũng chính là mục đích của nhiệm vụ KH&CN đang triển khai.
Ý kiến ()