Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao Lộc” cho sản phẩm rau Tân Liên – Gia Cát:Tiền đề sản xuất rau, củ, quả sạch
(LSO) – Với những quy định rõ ràng về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm rau, củ, quả cùng hệ thống hạ tầng hoàn thiện, huyện Cao Lộc đang từng bước sản xuất các loại rau, củ, quả an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Huyện Cao Lộc có khoảng 800 ha chuyên canh các loại rau. Trong đó, trên 100 ha nằm ven sông Kỳ Cùng có đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Năm 2017, huyện Cao Lộc triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao Lộc” cho sản phẩm rau Tân Liên – Gia Cát. Trong tháng 9/2019, huyện đã nhận văn bằng chứng nhận do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Đây chính là tiền đề để huyện sản xuất nông sản sạch.
Bà Lành Thị Minh Huyền, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Chúng tôi đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao Lộc” cho sản phẩm rau của 2 xã: Tân Liên và Gia Cát; thời gian tới sẽ mở rộng ra trên địa bàn toàn huyện. Mục tiêu của dự án là nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Đặc biệt, từng bước hướng đến sản xuất theo hướng an toàn.
Hội viên HTX Rau, củ, quả sạch xã Gia Cát, huyện Cao Lộc thu hoạch rau cải bao hữu cơ
Hướng đến sản xuất sạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt các loại rau, củ, quả cũng như ghi chép toàn bộ quá trình canh tác, sản xuất cho nông dân trên địa bàn huyện. Tất cả quy trình canh tác được ghi chép và quản lý chặt chẽ. Công tác phòng trừ sâu bệnh được triển khai bằng các chế phẩm sinh học và sản phẩm bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, phòng chú trọng hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm làm tăng độ phì nhiêu cho đất.
Cùng đó, năm 2017, huyện triển khai dự án đầu tư sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Dự án có quy mô 12 ha gồm các hạng mục như: nhà lưới vòm cao, nhà lưới vòm che thấp, nhà sơ chế, hệ thống tưới tiết kiệm, hố thu rác, máy ủ phân hữu cơ… giao cho HTX Rau, củ, quả sạch xã Gia Cát và HTX Sản xuất rau an toàn xã Tân Liên quản lý, sử dụng. Tại đây, tất cả các loại rau, củ, quả được sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt và hữu cơ.
Tại khu vực sản xuất rau hữu cơ của HTX Rau, củ, quả sạch xã Gia Cát, huyện Cao Lộc mặc dù chỉ được chăm sóc tối thiểu như: nhổ cỏ, tưới nước, bắt sâu nhưng rau vẫn phát triển tốt. Tuy là rau sạch nhưng giá của loại rau này chỉ tương đương giá ngoài chợ. Tại HTX Sản xuất rau an toàn xã Tân Liên, các loại dưa chuột baby, cải làn, cải lai, cải canh, cà chua, cải bắp… được chăm sóc tỉ mỉ sắp cho thu hoạch, quanh vườn được trồng các loại rau thơm nhằm xua đuổi côn trùng.
Bà Dương Thị Oai, Chủ nhiệm HTX Sản xuất rau an toàn xã Tân Liên cho biết: Tất các các loại rau, củ, quả khi trồng, chăm sóc, bón phân ra sao đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận. Tuy mất thời gian nhưng lại rất hữu dụng trong việc quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng sản phẩm rau của HTX. Chúng tôi đang trồng thử nghiệm một số giống rau, củ nhập khẩu và các loại rau theo mùa.
Sau 2 năm triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể, đến nay, nhận thức của nông dân tại các xã Tân Liên, Gia Cát đã có chuyển biến tích cực. Các hộ đã biết liên kết sản xuất, tiến hành nghiên cứu thị trường và luân canh các loại rau; đặc biệt, đang từng bước sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt.
Để nông dân yên tâm sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, bước đầu đã kết nối được một số doanh nghiệp sản xuất rau theo đơn đặt hàng. Phòng đang tích cực tham mưu đưa sản phẩm rau an toàn của các HTX sản xuất rau an toàn vào các bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện, tỉnh. Cùng đó, tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến hệ thống cửa hàng, siêu thị uy tín trên địa bàn tỉnh và Hà Nội.
Ý kiến ()