Xây dựng nhãn hiệu tập thể cao khô Vạn Linh
Người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng sản xuất cao khô |
Cao khô Vạn Linh được người dân sản xuất từ nhiều loại gạo ngon, trong đó chủ yếu là gạo bao thai do người dân sở tại làm ra. Sản xuất cao khô là nghề truyền thống của người dân ở đây. Phải mất 2 ngày và nhiều công đoạn mới có thể cho ra những sợi cao khô trắng, dai, thơm và vị ngọt bùi của gạo. Cao khô có thể chế biến thành nhiều món ăn và nhiều cách làm khác nhau. Hiện xã Vạn Linh có hơn 100 hộ sản xuất cao khô, tập trung chủ yếu ở thôn Phố Cũ và Phố Mới. Với sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, sản phẩm này được cung cấp đến nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do chưa được cấp thương hiệu nên mặt hàng này chủ yếu được các tư thương đến thu mua chứ chưa thu hút được doanh nghiệp nào đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, cao khô Vạn Linh được tiêu thụ một cách bấp bênh và thường xuyên bị ép giá.
Bà Triệu Thị Tản, thôn Phố Cũ, xã Vạn Linh cho biết: “Sản xuất cao khô rất khó và nhiều công đoạn, chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Trời không mưa mới có thể tráng, phơi, cắt bánh được. Vào mùa nồm, ẩm, việc sản xuất cao khô khó khăn, khan hiếm hàng thì tư thương đến mua trả giá khoảng 1.800 đồng/bó. Những ngày nắng, nóng sản xuất ra nhiều, “cung vượt cầu” một chút là các lái buôn lại đồng loạt ép giá chỉ từ 1.400 – 1.500 đồng/bó”.
Trước thực trạng trên, huyện Chi Lăng quyết tâm đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vạn Linh” cho sản phẩm cao khô để sản phẩm này có tên và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Hiện Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện đang gấp rút hoàn thiện quy trình sản xuất và hồ sơ đăng ký nhãn hiệu để gửi lên Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định, trình UBND tỉnh cho đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với cao khô Vạn Linh. Từ năm 2015, xã Vạn Linh đã thành lập được Tổ liên kết sản xuất cao khô Vạn Linh với 26 tổ viên. Ông Linh Văn Phúc, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sẽ như một giấy thông hành cho cao khô Vạn Linh có đủ điều kiện vươn ra các thị trường rộng lớn hơn. Không những thế còn tạo thu nhập ổn định cho người sản xuất. Phòng đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu tập thể; tích cực hoàn thiện hồ sơ, tuyên truyền Tổ liên kết sản xuất cao khô Vạn Linh và các hộ sản xuất trong xã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng nhãn hiệu tập thể; từ đó đảm bảo quy trình sản xuất sạch, hợp vệ sinh, tạo ra sản phẩm chất lượng và uy tín. Bà Hoàng Thị Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết: Hai năm gần đây, các hộ sản xuất cao khô tích cực đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất. Hiện toàn xã có gần 100 máy nghiền bột sử dụng điện, 14 máy tráng bánh công suất cao. Hệ thống dàn phơi bánh, xử lý nước thải sản xuất cũng được đầu tư, nâng cấp đảm bảo vệ sinh và giảm sức lao động hơn.
Ý kiến ()