Xây dựng nhãn hiệu tập thể cao khô chợ Bãi
(LSO) – Cao khô Chợ Bãi, huyện Văn Quan lâu nay chỉ phục vụ người dân trong huyện và một số huyện lân cận. Thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm này ra thị trường trong tỉnh, trong nước, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan – đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Nguời dân xã Yên Phúc, huyện Văn Quan kiểm tra cao khô thành phẩm
Cao khô là nghề truyền thống đã có hàng trăm năm của người dân thôn chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyệnVăn Quan. Từ lâu, sản phẩm này được người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận sử dụng. Cao khô chợ Bãi có vị thơm, ngon đặc trưng riêng nên được người dân thành phố Lạng Sơn và một số huyện ưa chuộng tìm mua. Để khẳng định chất lượng cao khô chợ Bãi, các hộ sản xuất kinh doanh cao khô trên địa bàn xã đã tự in ấn nhãn mác tuy nhiên, nhãn mác còn sơ sài, chưa đảm bảo các yêu cầu đề ra, đặc biệt rất dễ làm giả.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Cao khô hay phở khô, mì gạo được chế biến từ gạo nguyên chất, thường là gạo bao thai hoặc đoàn kết được trồng tại các xã của huyện. Cao khô chợ Bãi có đặc trưng như: trắng, sáng màu gạo, hương thơm tự nhiên, sợi cao dai mềm… Hiện toàn xã có trên 30 hộ sản xuất cao khô, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Mỗi tấn gạo làm được 4.000 đến 4.200 bó cao khô, trọng lượng 330 gram/bó, với giá bình quân 7.000 đồng/bó thì mỗi tấn gạo cho thu nhập 28 triệu đồng, trừ chi phí người sản xuất thu lãi 13 – 14 triệu đồng tùy thời điểm.
Trên thực tế, sản phẩm cao khô các hộ làm ra không đủ bán, tuy nhiên, do sản phẩm này chưa được chứng nhận nhãn hiệu tập thể nên giá thành còn thấp, chưa phản ánh đúng danh tiếng của nó. Chính vì vậy, huyện Văn Quan triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cao khô chợ Bãi cho sản phẩm cao khô khu vực chợ Bãi, huyện Văn Quan. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cao khô chợ Bãi nhằm hướng đến xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong khâu sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Hà Văn Thiện, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cao khô chợ Bãi được triển khai từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2020. Từ khi triển khai đề tài đến nay, chúng tôi đã hoàn thành bản đồ quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm cao khô gồm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cùng đó, gửi một số mẫu cao khô đi kiểm nghiệm, kết quả các chỉ số đều trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Các nhãn hiệu cũng như quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cũng đã hoàn thành, hiện chúng tôi đang cho người dân đóng góp ý kiến, sau đó sẽ hoàn chỉnh.
Trong tháng 10/2018, huyện sẽ tổ chức hội thảo với thành phần là các hộ sản xuất cao khô và một số phòng, ban của huyện. Thời gian tới, huyện Văn Quan sẽ tiếp tục triển khai hướng dẫn các hộ sản xuất quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm. Đặc biệt tập trung các hoạt động quảng bá sản phẩm cao khô chợ Bãi đến tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chị Hoàng Phương Thảo, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà tôi ai cũng thích ăn cao khô nên tôi thường mua. Nhưng do không có nhãn mác nên rất khó phân biệt cao khô chợ Bãi với các loại cao khô khác. Tôi thường mua ở những mối quen, họ thường xuyên lấy cao khô từ chợ Bãi ra thành phố bán.
Sử dụng các sản phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo về chất lượng, an toàn đối với người sử dụng đang là xu thế chung của người tiêu dùng. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cao khô chợ Bãi, huyện Văn Quan sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ý kiến ()