Xây dựng nhãn hiệu tập thể: Bình Gia hướng đến vùng chuyên canh thanh long
(LSO) – Thanh long tuy không phải cây bản địa song đã được nông dân huyện Bình Gia chăm sóc, thuần hóa nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả có chất lượng cao. Xây dựng nhãn hiệu tập thể là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho vùng sản xuất thanh long theo hướng hàng hóa.
Ông Hoàng Đăng Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Cây thanh long được nông dân huyện Bình Gia mang về trồng từ hơn 10 năm trước. Nếu được chăm sóc cây thanh long trồng tại Bình Gia có chất lượng không thua kém gì thanh long Ninh Thuận thậm chí về độ ngọt còn có phần nhỉnh hơn.
Trước đây, nông dân chủ yếu trồng thanh long ruột trắng, gần đây người dân đưa giống thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm. Qua thử nghiệm cho thấy, cây thanh long ruột đỏ thích nghi rất tốt với điều kiện đất đai khí hậu tại đây. Khoảng 3 năm trở lại đây, do được thị trường ưa chuộng nên nông dân đã chủ động mở rộng diện tích, hình thành các vườn chuyên canh thanh long.
Hiện toàn huyện Bình Gia có trên 10 ha với 200 hộ trồng thanh long, trong đó, tập trung tại thị trấn Bình Gia và các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ. Giá bán thanh long dao động từ 25.000 đồng đến 45.000 đồng/kg, sản lượng trung bình 96,57 tạ/ha.
Nông dân huyện Bình Gia chăm sóc thanh long ruột đỏ
Thanh long Bình Gia chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và thị trường Hà Nội. Do thanh long Bình Gia có độ ngọt cao hơn sản phẩm trồng tại các vùng khác nên gần đây nhiều thương lái đã chủ động đến các hộ gia đình đặt mua.
Tuy vậy, quả thanh long của huyện Bình Gia chưa có thương hiệu nên chỗ đứng trên thị trường cũng như giá sản phẩm còn bấp bênh. Thực hiện mục tiêu phát triển vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có năng suất cao, chất lượng tốt huyện Bình Gia đang triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thanh long của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn”
Theo đó, vùng trồng thanh long được quy hoạch trên địa bàn toàn huyện với mục tiêu nâng diện tích lên 40 ha. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang xây dựng bộ logo nhận diện sản phẩm. Cùng đó, tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây thanh long và quy trình canh tác kỹ thuật cao. Tập huấn cho cán bộ và nông dân trên địa bàn huyện về tầm quan trọng cũng như cách thức sử dụng, quản lý đối với nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện hỗ trợ người dân trên địa bàn 2.318 cột trụ cho cây thanh long nhằm giúp các hộ trồng thanh long nhân rộng diện tích.
Ông Hoàng Đình Uyên, thôn Pắc Pét, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Vườn thanh long ruột đỏ của gia đình tôi có 150 gốc đã hơn 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2018. Trọng lượng quả đạt từ 300 – 500 g/quả, có nhiều quả đạt đến 700 g nên khách hàng rất ưa thích. Hiện nay, thanh long quả tươi của gia đình tôi chủ yếu bán cho người quen. Biết huyện đang triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể tôi đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích. Mong rằng sản phẩm thanh long của huyện Bình Gia sớm có thương hiệu, như vậy, chúng tôi không chỉ có đầu ra ổn định mà còn có thể tăng thu nhập.
Trong xu hướng sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, rõ nguồn gốc, thu hoạch, bảo quản theo quy trình đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thanh long huyện Bình Gia có ý nghĩa rất lớn. Người nông dân sẽ yên tâm mở rộng diện tích, chủ động đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ý kiến ()