Xây dựng nhãn hiệu: Lợi ích kép cho cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng
(LSO) – Xác định nhãn hiệu hàng hóa là tài sản trí tuệ có giá trị lâu dài, mang lại lợi ích kép là tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng nên gia đình anh Vi Văn Hồng, chị Đặng Thị Múi, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã chủ động đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc sản Mẫu Sơn do gia đình chế biến và kinh doanh.
Cửa hàng kinh doanh của gia đình anh Hồng chị Múi tại thị trấn Lộc Bình có hơn 30 sản phẩm là các sản vật đặc trưng của vùng núi Mẫu Sơn như: cao lá dược liệu; cao lá tắm trị rôm sảy; nước cốt lá tắm sản phụ; siro mật ong chanh rừng; rượu trắng, rượu nho rừng; chuối hột; quả sim; lá, quả mác mật sấy khô; gia vị chế biến món vịt quay, lợn quay pha chế sẵn… Tất cả đều được đóng túi, đóng hộp, chai, lọ và có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, địa chỉ rõ ràng mang nhãn hiệu “A Múi”.
Anh Vi Văn Hồng kiểm tra các mặt hàng kinh doanh của gia đình sau khi gắn nhãn hiệu
Anh Hồng cho biết: Gia đình tôi kinh doanh các sản vật của vùng núi Mẫu Sơn từ năm 2015. Lúc đầu, nhãn mác chỉ là chữ đen trắng in trên giấy. Sau một thời gian kinh doanh, vợ chồng tôi nhận thấy, vì không có bao bì, nhãn mác rõ ràng nên khách không phân biệt được sản vật Mẫu Sơn với các vùng khác, khó sử dụng, không biết địa chỉ sản xuất, địa chỉ liên hệ mua hàng… Do đó, vợ chồng tôi liên hệ với cơ quan chức năng đăng ký, xây dựng nhãn hiệu cho những sản phẩm của mình.
Theo đó, năm 2016, gia đình anh Hồng đã làm hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu “A Múi”. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong công tác tư vấn, hướng dẫn, hồ sơ, thủ tục nhanh chóng được hoàn thiện và chuyển đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận, gia đình anh đã liên hệ với các cơ sở sản xuất tem đảm bảo, chai, lọ, bình, túi đựng sản phẩm, in nhãn mác để gắn mác cho các sản phẩm do gia đình sản xuất, kinh doanh. Thời gian đầu, nhãn hiệu “A Múi” chỉ được gắn lên những sản phẩm thô, mới qua sơ chế như: chuối hột, sim rừng, quả mác mật… phơi khô. Sau này trong quá trình sản xuất, kinh doanh, gia đình anh đã trang bị bao bì, gắn mác cho tất cả các sản phẩm. Trên mỗi sản phẩm mang nhãn hiệu A Múi, người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ tên nhãn hàng hóa, thành phần sản phẩm, ngày sản xuất, hướng dẫn sử dụng, công dụng, địa chỉ liên hệ…
Nhờ quan tâm xây dựng, phát triển nhãn hiệu, các sản phẩm mang thương hiệu A Múi đã được nhiều người tiêu dùng ở trong và ngoài tỉnh đón nhận. Anh Nguyễn Thanh Bình, khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi thường xuyên sử dụng các sản phẩm đặc sản Mẫu Sơn nhất là dược liệu. Trên thị trường có nhiều tổ chức, cá nhân bày bán các mặt hàng này, tuy nhiên, tôi thường mua và sử dụng sản phẩm có nhãn hiệu “A Múi”, vì ở mỗi bao bì sản phẩm đều có tên, địa chỉ rõ ràng, cách và hạn sử dụng, nên dễ nhận biết và tiện lợi khi sử dụng, liên hệ.
Từ khi sử dụng nhãn hiệu “A Múi”, các sản phẩm của gia đình anh Hồng đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Thời gian gần đây, mỗi tháng, gia đình anh bán được 200 đến 300 đơn hàng, trong đó có nhiều khách hàng ngoại tỉnh. Lợi nhuận kinh doanh cũng tăng lên, trừ các chi phí (vận chuyển, nhân công…) trung bình mỗi tháng, gia đình anh thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng tạo việc làm (thường xuyên và thời vụ) cho 4 đến 6 lao động địa phương. Đáng chú ý là các sản phẩm mang nhãn hiệu “A Múi” thường xuyên được UBND huyện Lộc Bình lựa chọn tham gia các hội chợ, hoạt động quảng bá sản phẩm diễn ra ở trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, gia đình anh Hồng, chị Múi đang tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã Nông trang sinh thái Mẫu Sơn nghiên cứu, tạo thêm sản phẩm hàng hóa từ các sản vật của núi rừng Mẫu Sơn đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, phối hợp với đơn vị cung cấp tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn huyện là Viễn thông Lộc Bình đăng ký tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm mang thương hiệu A Múi
“Mỗi năm, Sở KH&CN tư vấn xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 30 đến 70 tập thể, cá nhân. Sau khi được công nhận và sử dụng nhãn hiệu, hầu hêt các cơ sở sản xuất kinh doanh đều có chỗ đứng riêng trên thị trường, tạo được uy tín với người tiêu dùng. Sở KH&CN luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu”. Ông Lưu Bá mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ |
Ý kiến ()