Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận: Nâng cao giá trị gà 6 ngón Mẫu Sơn
– Gà 6 ngón là giống gà quý hiếm có từ lâu đời, gắn liền với sinh kế và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi Mẫu Sơn. Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Gà 6 ngón Mẫu Sơn” sẽ góp phần minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, tạo cơ sở phát triển thương mại, hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh…
Giống gà 6 ngón Mẫu Sơn được người dân tại hầu hết các xã của huyện Cao Lộc, Lộc Bình nuôi và khai thác, trong đó, tập trung nhiều tại xã Công Sơn (huyện Cao Lộc), Mẫu Sơn (Lộc Bình). Đặc điểm nổi bật của gà 6 ngón là xương nhỏ, thịt trắng, da vàng, chân vàng hoặc trắng, mỗi bên chân có 6 ngón, sản phẩm thịt rất thơm, ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng, nên giá thành luôn cao từ 200.000 đồng/kg đến 300.000 đồng/kg, gấp 2 đến 3 lần so với các giống gà khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều giống gia cầm mới du nhập vào địa bàn tỉnh, cùng với tập quán thả chung với các loại gia cầm, dẫn đến tình trạng giống gà 6 ngón Mẫu Sơn bị pha tạp, dần bị thoái hóa.
Thành viên HTX nông nghiệp Thành Lộc, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình kiểm tra quá trình sinh trưởng của gà 6 ngón
Để xây dựng thương hiệu sản phẩm gà 6 ngón Mẫu Sơn trên thị trường, UBND tỉnh đã đưa sản phẩm này vào Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, năm 2021, nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gà 6 ngón Mẫu Sơn” được giao cho nhóm nghiên cứu do thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai, Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ M.I.T (tổ 4, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) đảm nhiệm, triển khai từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2022.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết: Triển khai xây dựng NHCN gà 6 ngón Mẫu Sơn, chúng tôi tập trung xây dựng hồ sơ và đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ NHCN cho sản phẩm; xây dựng, vận hành hệ thống văn bản, công cụ phục vụ quản lý và phát triển NHCN. Từ tháng 3/2021 đến nay, nhóm đã khảo sát hiện trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm gà 6 ngón Mẫu Sơn trên địa bàn tỉnh; xây dựng tiêu chí chứng nhận cho sản phẩm mang NHCN “Gà 6 ngón Mẫu Sơn” gồm 30 tiêu chí cụ thể về hàm lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với sản phẩm mang NHCN “Gà 6 ngón Mẫu Sơn” gồm tất cả các xã của 2 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình; thiết kế mẫu NHCN Gà 6 ngón Mẫu Sơn; xây dựng quy định quản lý và sử dụng NHCN “Gà 6 ngón Mẫu Sơn”; xây dựng hồ sơ và đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với NHCN cho sản phẩm gà 6 ngón Mẫu Sơn, Lạng Sơn.
Cùng đó, nhóm đang tiến hành xây dựng hệ thống văn bản, công cụ phục vụ quản lý, sử dụng và phát triển NHCN gồm: xây dựng hệ thống văn bản, công cụ phục vụ quản lý, sử dụng NHCN; thiết kế và in ấn bộ nhận diện thương hiệu; xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc (QR Code); tổ chức 2 hội thảo với 60 người tham gia để đánh giá cảm quan, phân tích lý hóa sản phẩm gà 6 ngón và thống nhất hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ hướng dẫn 3 tổ chức, gia đình, cá nhân xây dựng hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng NHCN, hướng dẫn cơ quan chức năng thẩm định đánh giá hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng NHCN; tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang NHCN, các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát NHCN; xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh cho sản phẩm gà 6 ngón; xây dựng kênh giới thiệu, quảng bá và bán hàng qua các phương tiện công nghệ… cho hơn 100 người trên địa bàn các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình.
Ông Hoàng Phúc Thắng, Chủ nhiệm HTX Nông trang sinh thái Mẫu Sơn, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: HTX có 20 thành viên, các hộ đều chăn nuôi từ 30 đến 200 con gà 6 ngón/lứa. Sản phẩm chủ yếu được bán cho khách đến tham quan du lịch tại Mẫu Sơn. Nếu sản phẩm được bảo hộ NHCN cùng với việc quảng bá sâu rộng thì chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Xây dựng NHCN với các hoạt động quy hoạch vùng chăn nuôi, tăng cường quảng bá sản phẩm, minh bạch nguồn gốc, chất lượng gà 6 ngón Mẫu Sơn sẽ là cơ sở người chăn nuôi tập trung sản xuất, góp phần phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số các huyện Cao Lộc, Lộc Bình.
Ý kiến ()