Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận: Khẳng định chất lượng rau thành phố Lạng Sơn
(LSO) – Rau là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh không chỉ cung cấp cho người dân trên địa bàn mà còn được đông đảo du khách ưa chuộng. Khẳng định chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm này, thành phố Lạng Sơn đang tích cực xây dựng nhãn hiệu chứng nhận.
Thông qua nhãn hiệu chứng nhận sẽ thấy rõ các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất, cách thức cung cấp, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, nhãn hiệu.
Là trung tâm kinh tế năng động của tỉnh, song sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thành phố Lạng Sơn do đất nông nghiệp chiếm trên 70% diện tích. Năm 2017, toàn thành phố gieo trồng được 536,7 ha rau các loại, đạt sản lượng 9.812,5 tấn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của người trồng rau còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất rau an toàn tập trung; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn lạc hậu, thiếu đồng bộ nên tổn thất sau thu hoạch cao; chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ; thiếu năng lực tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn và yêu cầu thị trường. Để nâng cao hiệu quả sản xuất rau theo hướng bền vững, phát triển mô hình tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tháng 10/2017, UBND thành phố Lạng Sơn triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm rau của thành phố Lạng Sơn”.
Nông dân xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chăm sóc rau
Ông Hoàng Văn Tồn, cán bộ Phòng Kinh tế thành phố, đồng chủ nhiệm dự án cho biết: Là cơ quan triển khai dự án, Phòng Kinh tế thành phố đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại các xã: Mai Pha, Quảng Lạc, Hoàng Đồng và phường Đông Kinh diện tích trên 100 ha với trên 200 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia. Phòng đã gửi các mẫu cải ngồng, cải làn, cà chua, đậu đỗ, cải bắp, cải dưa… đến cơ quan chuyên môn đánh giá chỉ tiêu chất lượng. Kết quả, các chỉ tiêu chất lượng đều đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra. Chúng tôi đang hoàn thiện lô gô, nhãn mác và xây dựng quy chế quản lý đối với hộ tham gia. Những khâu cuối cùng đang được hoàn tất, cuối năm 2018, Phòng Kinh tế thành phố hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ. Dự kiến năm 2019, nhãn hiệu chứng nhận rau thành phố Lạng Sơn sẽ được công nhận và sử dụng rộng rãi.
Để các hộ có thêm kinh nghiệm, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố tổ chức 2 lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn cho trên 100 hộ trồng rau là thành viên các hợp tác xã (HTX) sản xuất rau như: HTX Nà Chuông, HTX Pò Đứa, HTX Đồng Tâm, HTX Thịnh Phương, HTX Quảng Hưng. Để chất lượng rau luôn đảm bảo, HTX và cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất.
Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn được UBND thành phố Lạng Sơn coi là nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, những năm gần đây, thành phố chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau. Trong đó, UBND thành phố phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và đơn vị khoa học triển khai mô hình trồng và phát triển rau an toàn. Đến nay, thành phố có trên 10 mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất rau an toàn, giúp hình thành các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau phát triển theo hướng VietGAP, nông dân đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa. Để liên kết giữa khâu sản xuất với tiêu thụ, UBND thành phố xây dựng các ki – ốt kinh doanh sản phẩm rau an toàn nhằm quảng bá, đưa sản phẩm chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.
Anh Đinh Văn Hạ, thôn Pò Đứa, xã Mai Pha cho biết: Thu nhập của gia đình trông cả vào 6 sào rau. Nếu sản xuất theo phương thức cũ thì thu nhập chẳng là bao, vì vậy, tôi đang nghiên cứu, sản xuất theo hướng VietGAP nhằm nâng cao giá trị. Tin rằng khi có thêm nhãn mác, bao bì hỗ trợ từ UBND thành phố, người tiêu dùng sẽ tin tưởng sử dụng sản phẩm của chúng tôi.
Bà Tô Thị Na, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Có nhãn hiệu chứng nhận, khi đưa ra thị trường sản phẩm rau an toàn của thành phố Lạng Sơn phải có đai, nhãn mác, lô gô, tem truy xuất… chứng minh về nguồn gốc và chất lượng. Với đầy đủ thông tin như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng.
Để được công nhận nhãn hiệu chứng nhận cần xây dựng vùng sản xuất rau; tổ chức tập huấn cho người sản xuất về phương thức quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; kiểm định và chứng nhận chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; cung cấp tem, nhãn cho các đơn vị thực hiện; giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh, sản phẩm lưu thông trên thị trường và triển khai hoạt động quảng bá… |
Ý kiến ()