Xây dựng nhà văn hóa thôn, bản: Khi người dân chung sức đồng lòng
LSO- Nhà văn hóa thôn, bản là một thiết chế văn hóa quan trọng, góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH). Vì thế, những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu, cùng góp công, góp sức xây dựng nhà văn hóa ở các thôn, bản.
Chuyển biến nhận thức
Từ năm 2011 đến nay, Ban chỉ đạo phong trào đã biên tập, phát hành 300 tài liệu tuyên truyền, 6.000 tờ tin nghiệp vụ văn hóa; tổ chức trên 3.450 buổi tuyên truyền lưu động, gần 500 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trên 1.000 cuộc giao lưu văn nghệ quần chúng lồng ghép nội dung tuyên truyền… Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bà Hoàng Thị Chẩy (xã Tân Liên, huyện Cao Lộc) cho biết: “Qua các buổi họp thôn, cán bộ xã đến nhà nói chuyện, gia đình tôi hiểu rằng nhà văn hóa rất cần thiết cho mọi hoạt động, phong trào của người dân trong thôn nên đã cùng với các hộ quanh đây đóng góp tiền và ngày công để xây dựng”.
Người dân sinh hoạt tại Nhà văn hóa khối 9 phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn
Đóng góp thiết thực
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương đã chủ động phát huy các nguồn lực trong dân. Nhiều xã, thôn đã tự khai thác, tự tìm cách tạo nguồn kinh phí mà không ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân tích cực tham gia họp, bàn để xây dựng nhà văn hóa, sân tập thể thao. Có gia đình, cá nhân đóng góp từ 10, 15 tới hàng chục triệu đồng để xây nhà văn hóa. Nơi thì kêu gọi con em ra ngoài làm ăn khấm khá gửi tiền về đóng góp cho quê hương. Người đóng góp mẫu thiết kế, người đóng góp nguyên vật liệu, người đóng góp công sức. Đặc biệt có những người hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa thôn theo đúng quy chuẩn như: ông Lăng Văn Sơn (thôn Bắc, xã Yên Phúc, Văn Quan); ông Nông Văn Chiến (thôn Phiêng Phẩy, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình)…
Đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 1.929 thôn, bản khối phố có nhà văn hóa (tăng 432 nhà so với năm 2011); 68 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 182 sân tập thể thao. Trong đó, kinh phí do người dân đóng góp trong 5 năm qua đạt trên 32 tỷ đồng.
Ông Dương Minh Tuệ, Phó Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh cho biết: “Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, tỷ lệ thôn, bản, khối phố có nhà văn hóa sẽ đạt tỷ lệ 85,2%, vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Cùng với sự đóng góp của người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc. Điển hình như huyện Cao Lộc. Ngoài kinh phí được cấp theo quy định, UBND huyện đã hỗ trợ gần 300 triệu đồng cho xây mới, nâng cấp, tu sửa, cải tạo nhà văn hóa thôn, sân thể thao tại 4 xã điểm nông thôn mới”.
Từ thực tế trên cho thấy, xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng lớn. Khi người dân chung sức đồng lòng, mỗi nhà một ít, “góp gió thành bão” sẽ tạo nên nguồn lực thúc đẩy việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()