Xây dựng nhà máy thủy điện Thác Xăng: Nỗ lực của chủ đầu tư
LSO-Bắt đầu từ giữa năm 2011 đến nay, trong khi các dự án thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn về vốn phải dừng thi công, xin giãn tiến độ thì dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Xăng, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định vẫn tiếp tục được chủ đầu tư triển khai thực hiện theo kế hoạch.
LSO-Bắt đầu từ giữa năm 2011 đến nay, trong khi các dự án thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn về vốn phải dừng thi công, xin giãn tiến độ thì dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Xăng, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định vẫn tiếp tục được chủ đầu tư triển khai thực hiện theo kế hoạch. Dự án này được khởi công tháng 10/2010, do Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 300 tỷ đồng, công suất khoảng 20MW. Trên công trường những ngày đầu tháng 5/2013, các đơn vị đảm nhận thực hiện các gói thầu đều tập trung cao độ, huy động tối đa các nguồn lực phấn đấu hoàn thành phần xây dựng cơ bản của nhà máy trong năm nay.
Một phần đập vai phải ngăn dòng đang được đẩy nhanh tiến độ |
Giữa lòng sông Bắc Giang đoạn thuộc thôn Phiêng Chuông, xã Hùng Việt, huyện Tràng Định, một khối bê tông khổng lồ đã hiện hình cắt đôi dòng sông. Các hạng mục thuộc gói thầu xây đập ngăn dòng, vị trí đặt nhà máy do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Long Dương thi công đã thực hiện được trên 75% khối lượng. Nhà thầu đã thi công xong phần đập vai trái, đối với phần đập vai phải đã xây dựng vượt xa so với cao trình thoát lũ. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2013 đơn vị sẽ thực hiện đổ khoảng 20 nghìn khối bê tông, cơ bản xong toàn bộ phần xây dựng cơ bản. Theo đánh giá của đơn vị, phần xây dựng nhà máy trong năm 2013 sẽ được hoàn thành sớm. Hiện chủ đầu tư đang tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu cung cấp thiết bị cho nhà máy. Ông Hà Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Sử Pán 1 cho biết, đến thời điểm hiện tại, vấn đề về vốn, giải phóng mặt bằng tuy không còn căng thẳng như trước đây nhưng để các cổ đông yên tâm tiếp tục đầu tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay vẫn là vấn đề lớn. Công ty không còn cách nào khác là phải đẩy nhanh tiến độ xây lắp, sớm có sản phẩm điện để thu hồi vốn và tiếp tục tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bởi dự án chậm tiến độ ngày nào là chủ đầu tư tiếp tục phải chịu thiệt hại ngày ấy. Đến thời điểm này, trên công trường các nhà thầu đang huy động khoảng 200 công nhân, kỹ sư để thực hiện các gói thầu. Trong đó, chủ yếu tập trung vào phần gia công thiết bị cơ khí thủy công của nhà máy như sản xuất van, khung đập tràn, van xả, van hạ lưu của nhà máy. Đáng mừng là toàn bộ số thiết bị này đều do các doanh nghiệp trong nước gia công sản xuất, lắp đặt tại chân nhà máy. Theo Ban Quản lý dự án, các thiết bị thủy công cơ khí được sản xuất ngay tại chân nhà máy đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng so với thiết bị nhập khẩu. Hiện đơn vị thực hiện hạng mục này đang huy động 40 kỹ sư, công nhân lành nghề tập trung chế tạo, phấn đấu trong tháng 11/2013 sản xuất song toàn bộ thiết bị thủy công cho nhà máy. Đối với phần máy phát điện, gói thầu này trị giá khoảng 90 tỷ đồng, hiện chủ đầu tư đã tiến hành thương thảo với nhà thầu cung cấp thiết bị để đẩy nhanh các bước thực hiện gói thầu theo quy định hiện hành. Về tiến độ giải ngân toàn dự án, đã giải ngân được trên 100 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, có thể thấy những nỗ lực của chủ đầu tư trong việc triển khai công trình theo đúng tiến độ là một điều đáng ghi nhận. Theo kế hoạch trong năm 2014 dự án sẽ phát điện. Tuy nhiên hiện nay khối lượng công việc vẫn còn rất lớn. Do vậy đòi hỏi chủ đầu tư tiếp tục làm tốt công tác huy động vốn để thực hiện dự án. Cùng với bảo đảm tiến độ chung, chủ đầu tư cần đặc biệt quan tâm tới chất lượng công trình.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()