Xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ
Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Từ điểm mốc khai thác mét khối khí đầu tiên vào tháng 6-1981 tại mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình và khai thác tấn dầu thô đầu tiên vào tháng 6-1986 tại mỏ Bạch Hổ, đến nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang triển khai khai thác 20 mỏ dầu khí trong nước và năm mỏ ở nước ngoài (hai mỏ tại Liên bang Nga, ba mỏ tại Ma-lai-xi-a), với tổng sản lượng dầu khí đến nay (dự tính đến hết tháng 11-2011) đạt hơn 353 triệu tấn quy dầu (trong đó, khai thác dầu là hơn 281 triệu tấn và khai thác khí là gần 82 tỷ m3), doanh thu từ bán dầu đạt hơn 92 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) từ xuất khẩu dầu đạt hơn 45 tỷ USD.Công tác thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư được đẩy mạnh cả ở trong nước và ngoài nước, tiến độ các dự án đầu tư được bảo đảm. Hiện nay tập đoàn đang triển khai thực hiện 61 hợp đồng dầu khí ở trong nước, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào...
|
Công tác thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư được đẩy mạnh cả ở trong nước và ngoài nước, tiến độ các dự án đầu tư được bảo đảm. Hiện nay tập đoàn đang triển khai thực hiện 61 hợp đồng dầu khí ở trong nước, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 12 tỷ USD thực hiện chiến lược tăng tốc Hội nhập phát triển tập đoàn. Đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật khí hiện đại với ba hệ thống đường ống dẫn khí (Rạng Đông – Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau) đang được vận hành an toàn và hiệu quả, hằng năm cung cấp 8-9 tỷ m3 khí khô (5,7% LPG) cho phát triển công nghiệp và tiêu thụ dân sinh trong cả nước, bốn nhà máy điện (Nhà máy điện Cà Mau 1, 2 và Nhơn Trạch 1, 2) với công suất lắp đặt đạt 2.700 MW, được đưa vào vận hành đúng tiến độ, đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia. Hiện tại, tập đoàn tích cực thúc đẩy đầu tư các dự án điện khác: Vũng Áng 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1…, phấn đấu đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy điện do tập đoàn đầu tư đạt hơn 9.000 MW và sản lượng điện sản xuất của tập đoàn chiếm khoảng 20-25% sản lượng điện toàn quốc.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ được đưa vào vận hành từ năm 2004, đến nay đã sản xuất được hơn 5 triệu tấn u-rê đáp ứng gần 40% nhu cầu đạm cả nước, góp phần tích cực trong việc giảm nhập siêu, bình ổn thị trường phân u-rê và hỗ trợ đắc lực cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp ở trong nước thời gian qua.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất – biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam đã được đưa vào hoạt động từ năm 2009 và hiện đang đáp ứng 30% nhu cầu nhiên, nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, giao thông và dân sinh cả nước.
Các dự án: Đạm Cà Mau, Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Đình Vũ Hải Phòng, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền nam, Nhà máy lọc dầu Long Sơn, các dự án chế biến nhiên liệu sinh học… đang được các đơn vị như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Tổng Công ty Dầu (PVOIL) tích cực triển khai để sớm đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhiên, nguyên liệu, phân bón cho đất nước và cung cấp cho ngành công nghiệp hóa dầu những nguyên liệu và sản phẩm mới góp phần tích cực giảm nhập siêu cho đất nước.
Cùng với sự phát triển các lĩnh vực trong một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như: dịch vụ kỹ thuật thăm dò khai thác dầu khí, dịch vụ xây lắp dầu khí, dịch vụ vận tải dầu khí, dịch vụ tài chính, bảo hiểm dầu khí, dịch vụ tổng hợp,… cũng đã được hình thành, phát triển và có tỷ trọng đóng góp đáng kể trong doanh thu của tập đoàn. Trong những năm gần đây, doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ dầu khí luôn chiếm tỷ trọng 25-30% trong tổng doanh thu toàn tập đoàn. Tiêu biểu như các Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).
Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho ngân sách và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.Tổng doanh thu đạt gần 160 tỷ USD, luôn duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 250 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản toàn tập đoàn 525 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 57 tỷ USD, chiếm trung bình 28-30% tổng thu NSNN hằng năm; kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đặc biệt, năm 2011, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa hồi phục, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh. Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ cả năm, về đích trước thời gian ba tháng bốn chỉ tiêu: gia tăng trữ lượng dầu khí, tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN. Dự kiến, cả năm tập đoàn sẽ nộp ngân sách 155 nghìn tỷ đồng, vượt 55 nghìn tỷ đồng (tương đương vượt 2,7 tỷ USD) so với kế hoạch.
Tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, tập đoàn đã ký kết 25 hợp đồng dầu khí, trong đó đang triển khai thực hiện 18 hợp đồng tại 14 nước trên thế giới. Kết quả bước đầu đạt được là từ năm 2006 tập đoàn đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài (Lô PM 304 – Ma-lai-xi-a), tiếp theo đưa hai mỏ Bắc Khosedaiu và Visovoi tại khu tự trị Nhe-nhet-xky LB Nga (do Liên doanh Rusvietpetro thực hiện), mang lại kết quả tốt đẹp cho công cuộc “vươn ra biển lớn”. Sự thành công của các dự án trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược ngành đã đề ra, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Các dự án trọng điểm khác đang được tập đoàn tích cực triển khai như: dự án khai thác dầu tại mỏ Na-gu-ma-nốp (do LD Gazpromviet thực hiện), dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Vê-nê-xu-ê-la và mỏ Bir-Seba Algirea (do Liên doanh điều hành Tổng Công ty thăm dò khai thác Dầu khí: PVEP – PTTEP (Thái-lan) – Sonatrach, Algieri thực hiện)…
Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu,có trình độ cao, từng bước làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước, với số lượng lao động hiện có hơn 50 nghìn lao động, trong đó hơn 2.500 người có trình độ trên đại học, hơn 25 nghìn người có trình độ đại học và cao đẳng và hơn 20.000 công nhân lành nghề đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
Tập đoàn đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí của tập đoàn thời gian qua, tập đoàn đã thật sự là nòng cốt trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa – Vũng Tàu – Đồng Nai – Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất – Quảng Ngãi – Đà Nẵng, Nghi Sơn – Thanh Hóa…
Ngoài việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho đất nước thông qua các sản phẩm của tập đoàn như: khí, điện, đạm, xăng dầu…, việc đưa vào vận hành các dự án trên đã thu hút nhiều doanh nghiệp kinh tế khác trong nước cùng phát triển; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở các địa phương và các vùng lân cận nơi tập đoàn triển khai dự án. Với các dự án của tập đoàn đang được tích cực triển khai ở cả ba miền: bắc, trung và nam của đất nước, tập đoàn đã bước đầu góp phần hình thành các khu công nghiệp đi liền với các dự án của tập đoàn như: khu vực Cần Thơ- Ô Môn – Hậu Giang, Tiền Giang, Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh, Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế … Tập đoàn sẽ quyết tâm triển khai các dự án theo đúng tiến độ đề ra để góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thu hút các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển.
Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, từ cuối năm 2007 đến nay, tình hình lạm phát, giảm phát luôn có những diễn biến phức tạp; thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ; tập đoàn đã triển khai xây dựng và tổ chức các Chương trình hành động phù hợp với thực tế của tập đoàn ở từng thời điểm để cùng cả nước vượt qua những khó khăn, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các sản phẩm chủ yếu của ngành: dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí khô, LPG… đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường. Với kết quả mười tháng năm 2011, có thể khẳng định Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là tập đoàn luôn tiên phong và thực hiện tốt nhất Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()