Xây dựng nét đẹp văn hóa xe buýt Thủ đô
Bộ quy tắc ứng xử dành cho lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt vừa được ban hành, với mong muốn hướng tới nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên xe buýt. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần chung tay xây dựng văn hóa xe buýt, đưa loại hình giao thông công cộng này ngày càng gần gũi, văn minh hơn với người dân Thủ đô.
Bộ quy tắc được Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) xây dựng và ban hành. Với những hình ảnh minh họa sinh động cùng nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bộ quy tắc ứng xử dễ dàng tiếp cận với những đối tượng cụ thể. Đơn vị cũng triển khai dán bộ quy tắc ứng xử tại 84 tuyến xe buýt, các nhà chờ, bến xe. Theo đó, bên cạnh việc phải tuân thủ những quy tắc chung, lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách cần nâng cao nhận thức về những hành vi không được thực hiện trên xe buýt.
Đối với lái xe và nhân viên phục vụ, cần tuân thủ quy định của pháp luật cũng như điều chỉnh hành vi, cách ứng xử trong những tình huống cụ thể; hướng dẫn và giúp đỡ hành khách lên, xuống xe; đeo thẻ và mặc đồng phục đúng quy định. Lái xe và nhân viên phục vụ không thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho hành khách và người đi đường, không thể hiện thái độ khiếm nhã và không sử dụng các thiết bị di động khi phục vụ hành khách. Đối với hành khách, cần tuân thủ những quy tắc về giữ gìn trật tự, an ninh và tôn trọng nội quy trên xe; nhường nhịn và giúp đỡ những hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em; chấp hành sự sắp xếp và điều hành của nhân viên phục vụ; không gây mất trật tự, mang hàng hóa cồng kềnh lên xe…
Nhân viên xe buýt hướng dẫn cho hành khách về bộ quy tắc ứng xử khi đi xe buýt. Ảnh: TIẾN MẠNH |
Chị Trần Thu Hiền (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt số 32 bày tỏ, chị đồng tình và ủng hộ nội dung của bộ quy tắc ứng xử. Phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nói về văn minh trên xe buýt nhưng bản thân chị chưa hình dung rõ phải thực hiện như thế nào. Với những thông tin của bộ quy tắc ứng xử, hành khách sẽ nắm bắt để chấp hành và phối hợp với nhân viên nhà xe. Anh Nguyễn Quốc Hùng (quận Hà Đông, TP Hà Nội), hành khách trên tuyến xe buýt số 02 chia sẻ: “Là người thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển, bản thân tôi mong muốn hình ảnh xe buýt tốt lên, để hạn chế người dân sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông”.
Theo Transerco, văn hóa ứng xử của đội ngũ công nhân viên phục vụ trên xe buýt không chỉ là việc chấp hành đúng nội quy, quy định mà quan trọng hơn là xuất phát từ cái tâm và trách nhiệm với công việc của mỗi người. Anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên phục vụ trên xe buýt tuyến số 06E cho biết, việc triển khai bộ quy tắc ứng xử sẽ giúp công việc hằng ngày của lái xe, nhân viên phục vụ được hành khách thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành hơn. Đồng thời, lái xe, nhân viên phục vụ sẽ cố gắng hết mình để mang tới những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho hành khách đi xe. Bên cạnh đó, để xây dựng văn hóa xe buýt, cần sự thay đổi ý thức của mỗi cá nhân, sự chung tay của tất cả mọi người. Đi xe buýt cũng là hành động thiết thực để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-dung-net-dep-van-hoa-xe-buyt-thu-do-748014
Ý kiến ()