Xây dựng nền tảng tin cậy cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa được thực hiện thông qua các mã vạch, hoặc mã QR.
Tuy nhiên, việc TXNG theo các hình thức này chưa đem lại niềm tin cho người tiêu dùng do các thông tin về TXNG trong đó chưa đầy đủ, nhất là chưa có thông tin về các khâu “đầu vào” của quá trình sản xuất – khâu quyết định chất lượng sản phẩm. Việc chuẩn hóa mã TXNG sản phẩm và đưa vào vận hành Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ góp phần giải quyết thực trạng này.
Theo Quyết định 100/QÐ-TTg ngày 19-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng, đưa vào vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Chia sẻ về tiến độ xây dựng Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia, TS Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia cho biết, quý IV năm nay, Cổng sẽ đi vào hoạt động. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực TXNG, thí dụ, TCVN 12850:2019 – Yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG; TCVN 12851:2019 – Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống TXNG; TCVN 12827:2019 – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi… Các tiêu chuẩn quốc gia là cơ sở để các doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động TXNG, trong đó, thông tin về sản phẩm, hàng hóa được thu thập đầy đủ trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, thay vì chỉ có thông tin của khâu nuôi trồng, sản xuất như hiện nay. Cổng TXNG sẽ lưu trữ các thông tin này nhằm phục vụ nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp và quản lý, giám sát việc thực hiện TXNG của Nhà nước.
Nói về thực trạng sản phẩm, hàng hóa bày bán trong siêu thị hiện nay có mã TXNG nhưng các thông tin chứa trong đó chưa bảo đảm yêu cầu TXNG, TS Trần Nguyên Các, chuyên gia xây dựng Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia cho biết, mỗi sản phẩm, hàng hóa bày bán trong siêu thị đều có mã vạch hoặc mã QR, nhưng về cơ bản chỉ là truy xuất thông tin sản phẩm, chưa thể coi là TXNG. Nguyên nhân do các thông tin trong đó do doanh nghiệp tự kê khai, thông tin chủ yếu về khâu nuôi trồng, sản xuất, trong khi các thông tin khác của cả chuỗi cung ứng không có, thí dụ như thông tin về sử dụng loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gì, mua ở đâu… Một số mã QR khi quét không cho ra thông tin, hoặc thông tin sai lệch. Các giải pháp công nghệ về TXNG hiện tại cũng không có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, không có sự giám sát của cơ quan quản lý. Do đó, dù nhiều doanh nghiệp đã có hệ thống TXNG nội bộ, nhưng lại độc lập với hệ thống TXNG của doanh nghiệp khác, không thể khai thác để sử dụng chung cho cả chuỗi cung ứng sản phẩm.
Một sản phẩm được xem là truy xuất được nguồn gốc phải thông qua một loại nhãn điện tử sử dụng mã vạch hoặc mã QR theo tiêu chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu GS1, khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng quét mã QR phải hiện lên đầy đủ các thông tin về chuỗi sản phẩm, từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển. Các thông tin này được thu thập tự động hoặc bán tự động và được khai thác, sử dụng chung. Hiện, Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia – đơn vị được ủy quyền chủ trì thực hiện triển khai Quyết định số 100/QÐ-TTg đang phối hợp xây dựng dự thảo Thông tư về nhãn điện tử để đưa ra một quy định thống nhất về các loại tem, nhãn sử dụng mã vạch, mã QR để đáp ứng được yêu cầu nêu trên, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Theo nhận định từ các chuyên gia của Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, việc TXNG một cách toàn diện các khâu như vậy đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp có công cụ để quản lý, công khai chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Người tiêu dùng biết được chất lượng sản phẩm thông qua thông tin về toàn bộ quá trình hình thành, đường đi của một sản phẩm trước khi lên kệ bán hàng.
Các cơ quan quản lý sẽ xác định được chính xác, kịp thời nguyên nhân sự cố về chất lượng sản phẩm cũng như vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan. Các chuyên gia cũng kỳ vọng, khi các thông tin về TXNG sản phẩm, hàng hóa được các doanh nghiệp đưa lên Cổng TXNG sẽ tạo nên kho dữ liệu để phục vụ cho chính nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm xuất khẩu và thương mại điện tử của doanh nghiệp. Khi nhận thấy lợi ích của Cổng TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia thì dù chưa bắt buộc áp dụng việc TXNG cho toàn bộ các sản phẩm, doanh nghiệp cũng sẽ chủ động áp dụng việc TXNG.
Theo Nhandan
Ý kiến ()