LSO-Vượt qua nhiều khó khăn về mặt bằng, năng lực nhà thầu…với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của chủ đầu tư, sau gần 3 năm thực hiện, công tác mở rộng, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực (ĐKKV) đang trên đà tăng tốc để về đích…Đứng trước khu nền nhà đã đổ móng đến “cốt 0”, trao đổi với chúng tôi đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc “khoe”: Trong dự án mở rộng nâng cấp, Trung tâm Y tế Cao Lộc được thụ hưởng một khối lượng lớn trang thiết bị y tế và xây dựng; phần trang thiết bị y tế đã tập kết đủ và đưa vào sử dụng khoảng trên 70%, trong đó có nhiều thiết bị mới; công trình xây lắp khu hành chính, khám bệnh, hồi sức cấp cứu (HSCC) quy mô 4 tầng (có 1 tầng hầm) với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng, khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), nhà thầu đang thi công với chất lượng tốt nhất, tiến độ nhanh nhất để “bù” lại...
LSO-Vượt qua nhiều khó khăn về mặt bằng, năng lực nhà thầu…với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của chủ đầu tư, sau gần 3 năm thực hiện, công tác mở rộng, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực (ĐKKV) đang trên đà tăng tốc để về đích…
Đứng trước khu nền nhà đã đổ móng đến “cốt 0”, trao đổi với chúng tôi đồng chí Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc “khoe”: Trong dự án mở rộng nâng cấp, Trung tâm Y tế Cao Lộc được thụ hưởng một khối lượng lớn trang thiết bị y tế và xây dựng; phần trang thiết bị y tế đã tập kết đủ và đưa vào sử dụng khoảng trên 70%, trong đó có nhiều thiết bị mới; công trình xây lắp khu hành chính, khám bệnh, hồi sức cấp cứu (HSCC) quy mô 4 tầng (có 1 tầng hầm) với tổng giá trị trên 12 tỷ đồng, khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), nhà thầu đang thi công với chất lượng tốt nhất, tiến độ nhanh nhất để “bù” lại thời gian chậm do các nguyên nhân khác nhau.
Trung tâm Y tế Bình Gia sau một thời gian chậm tiến độ, khu nhà hành chính- kỹ thuật với quy mô 4 tầng, nay đã đổ xong sàn tầng 3, các khu nhà điều trị, HSCC…với quy mô nhỏ hơn thì đã xong phần mái. Bác sĩ Hoàng Thị Thùy, Giám đốc Trung tâm cho biết, nhà thầu đã rất cố gắng; trong những tháng đầu năm bị mất điện liên tục, nhà thầu huy động thợ làm cả ca đêm, và đến nay, diện mạo bề thế của một BV tuyến huyện đã và đang hình thành. Tuy nhiên phần “cải tạo, nâng cấp” chắc chắn sẽ bị chậm; và như vậy toàn bộ các hạng mục công trình xây lắp chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010.
Khu xử lý rác thải Y tế ở Trung tâm y tế huyện Bình Gia
được lắp đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả
Hẳn nhiều người còn nhớ, trong suốt gần 3 năm thực hiện Quyết định 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cấp mở rộng các bệnh viện tuyến huyện và phòng khám ĐKKV và Quyết định 930/QĐ-TTg, các BV tỉnh cũng như tuyến huyện của tỉnh Lạng Sơn luôn trong tình trạng ngổn ngang như một công trường. Cái khó trong thực hiện là các BV vừa phải tiến hành công việc chuyên môn, khám và điều trị trong điều kiện môi trường tốt; lại phải tạo điều kiện cho công tác tháo dỡ để sửa chữa. Vì vậy, các thiết bị y tế cứ phải “chạy” hết phòng nọ đến phòng kia theo tiến độ của việc nâng cấp. Mặt khác, do công tác quy hoạch, quy mô của các BV tuyến huyện đã khá ổn định từ hàng chục năm nay, nên khi mở rộng lại “động chạm” đến hàng loạt vấn đề, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Một khía cạnh khác là nhà thầu, trong giai đoạn nâng cấp mở rộng các BV cũng là thời kỳ ngành GD đẩy mạnh tiến độ kiên cố hóa (KCH) trường lớp học và nhà ở công vụ giáo viên. Các nhà thầu xây dựng trên địa bàn Lạng Sơn với năng lực tài chính cũng như đội ngũ lao động có hạn, lại “hút” vào dự án KCH, nên dù “hấp dẫn” cố nhận, nhưng năng lực thi công lại không đáp ứng được các tiêu chí về kỹ thuật cũng như tiến độ của dự án. Thậm chí một số nhà thầu cứ “nhận” rồi bỏ đấy, hoặc “bán thầu”. Cũng phải kể đến nguyên nhân là khi thực hiện dự án, giá cả nguyên vật liệu có sự chênh rất lớn so với dự toán, khiến các nhà thầu “án binh bất động” chờ điều chỉnh giá. Trước tình hình đó, một mặt UBND tỉnh, Ban quản lý dự án khâu nối trách nhiệm của các ngành chức năng như Tài nguyên- Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kho bạc… trong một nỗ lực chung. Chỉ đạo Chủ đầu tư rà soát, kiểm tra năng lực nhà thầu, tiến độ cũng như chất lượng công trình xây dựng cơ bản để tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ; tiến hành đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế theo đúng nhu cầu của các BV. Trong tổng số vốn Trái phiếu Chính phủ cho mở rộng, nâng cấp BV tuyến huyện giai đoạn 2008-2010 là 198,6 tỷ đồng, ngành y tế được phân bổ được 153 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến hết ngày 31/8/2010 là 149,73 tỷ đồng. Năm 2010 được thông báo 40 tỷ đồng, đã giải ngân 36,72 tỷ đồng. Những số liệu trên đã phản ánh sự cố gắng của chủ đầu tư. Song trên thực tế, ngành mới chỉ “dứt điểm” ở các gói thầu cung cấp trang thiết bị. Những gói thầu xây lắp vẫn trong tình trạng chậm tiến độ.
Từ nay đến hết năm, thời gian không còn nhiều. Vấn đề là chủ đầu tư cần thúc giục nhà thầu tận dụng những tháng mùa khô đẩy nhanh tiến độ công trình, để một mặt có thể giải ngân số vốn còn lại, nhưng quan trọng hơn là tạo sự đồng bộ cho việc lắp đặt và sử dụng các trang thiết bị hiện đại, tránh tình trạng “kê tạm, đặt tạm” như hiện nay. Vì các trang thiết bị y tế đòi hỏi một quy trình lắp đặt, sử dụng bảo hành, bảo dưỡng nghiêm ngặt.
Minh Hồng
Ý kiến ()