Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí và văn hoá của người làm báo: Ghi nhận sau gần 2 năm triển khai, thực hiện
- Tháng 9/2022, Hội Nhà báo tỉnh phát động phong trào và ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí và văn hoá của người làm báo Việt Nam”. Sau gần 2 năm triển khai, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan báo chí và người làm báo tỉnh nhà.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, công bố bản tiêu chí cơ bản gồm 12 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Đồng bộ hưởng ứng triển khai, thực hiện
Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh đã ban hành kế hoạch và tổ chức phát động phong trào, ký giao ước thi đua “Xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí và văn hoá của người làm báo Việt Nam” giữa lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh với lãnh đạo các cơ quan báo chí, giữa ban thư ký các chi hội với Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ tháng 9/2022 đến hết năm 2025, gồm 2 nội dung: cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo, với 12 tiêu chí cụ thể. Trong đó, một số tiêu chí của cơ quan báo chí văn hoá là: nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực; tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số…
Đồng chí Hoàng Đình Hôm, Tỉnh uỷ viên, Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: Phong trào thi đua được phát động nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Qua đó tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa, thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thực hiện phong trào thi đua, Báo Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai nội dung này tới các phòng, ban và đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trong đơn vị. Trong đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và qua gần 2 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua tại Báo Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả như: hằng năm cơ quan đều đạt cơ quan văn hóa gắn với các tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; 100% cán bộ, viên chức, người lao động của Báo Lạng Sơn không vi phạm các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; thông qua đánh giá, phân loại lao động bình xét thi đua năm 2022-2023, Báo Lạng Sơn đã có 10 lượt tập thể, 58 lượt cá nhân được công nhận danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, cá nhân lao động tiên tiến; nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và các ngành về các phong trào thi đua, công tác tuyên truyền...
Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) tỉnh là một trong 2 cơ quan báo chí lớn của tỉnh với 122 viên chức, lao động. Hiện nay Đài PT-TH sản xuất và tiếp sóng phát thanh 6 tiếng 30 phút/ngày; sóng truyền hình 18 tiếng/ngày, gồm 4 bản tin thời sự và 45 chuyên mục, chuyên đề. Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, Đài PT-TH tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên sóng PT-TH tỉnh.
Bà Hoàng Thị Tươi, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh cho biết: Đài PT-TH tỉnh đã triển khai, phát động nội dung, các tiêu chí của phong trào thi đua đến toàn thể đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người lao động. Qua đó đội ngũ những người làm báo của Đài PT-TH tỉnh đã tích cực hưởng ứng, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, sáng tạo, chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, góp phần chung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Theo đó, Đài PT-TH tỉnh đã thực hiện công tác tuyên truyền theo đúng tôn chỉ mục đích, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; chủ động bám sát định hướng tuyên truyền của Trung ương, của tỉnh, đồng thời phản ánh đầy đủ các hoạt động của tỉnh trên các lĩnh vực, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, có thể nhận thấy chủ trương “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đã được các cơ quan báo chí tích cực hưởng ứng, ban thư ký các chi hội nhà báo nhiệt tình thực hiện và triển khai một cách có hiệu quả. Đánh giá về thực hiện phong trào này, đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc phát động phong trào đã giúp cho các cơ quan báo chí nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và của chính mỗi cơ quan báo chí. Giá trị của các sản phẩm báo chí, danh dự, uy tín của người làm báo đối với xã hội được nâng lên khi phong trào thực sự đi vào nhịp sống nghề nghiệp. Các tiêu chí của văn hóa báo chí sẽ luôn là lời nhắc nhở mỗi nhà báo thực hiện tốt các “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, tạo ra các sản phẩm báo chí trung thực, khách quan, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, vô văn hóa. Phong trào cũng giúp mỗi người làm báo xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xây dựng đội ngũ làm báo văn hoá, chuyên nghiệp
Đối với văn hoá của người làm báo Việt Nam, phong trào xác định một số tiêu chí cụ thể như: thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo; tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác… Thực hiện được những tiêu chí này, người làm báo không chỉ có văn hoá, đạo đức nghề nghiệp mà còn hướng đến sự chuyên nghiệp của nghề nghiệp.
Nhà báo Hoàng Diệp Hằng, Biên tập viên Đài PT-TH tỉnh chia sẻ: Được tuyên truyền, phát động về thực hiện phong trào thi đua tôi đã thực hiện tốt các quy định, quy chế của cơ quan, quy tắc ứng xử, văn hóa công sở, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp cũng như quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đặc biệt trong mỗi tác phẩm báo chí của mình, tôi đều chú trọng tính trung thực, khách quan, đánh giá đúng bản chất của sự việc, tính nhân văn, cổ vũ những tấm gương điển hình tiên tiến, lan tỏa giá trị tốt đẹp, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó đẩy lùi những cái tiêu cực, thông tin xấu độc.
Văn hoá của người làm báo thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó tác nghiệp như nào cho có văn hoá, nhất là làm thế nào để không vụ lợi, nhũng nhiễu cơ sở, xây dựng hình ảnh, tác phong chuyên nghiệp là vấn đề “tôn chỉ” nghề nghiệp mà các phóng viên luôn nỗ lực xây dựng, giữ gìn.
Nhà báo La Thị Tuyết Mai, Phòng Chính trị - Xã hội, Báo Lạng Sơn chia sẻ: Là phóng viên, hội viên chi hội nhà báo, tôi luôn thực hiện nghiêm các quy định nghề nghiệp, văn hoá công sở cũng như văn hoá, đạo đức người làm báo, nhất là khi tôi được phụ trách tuyên truyền về mảng văn hoá - du lịch. Tôi luôn nỗ lực, sâu sát cơ sở để phản ánh chân thực, khách quan về nét đẹp văn hoá của đất và người Lạng Sơn, phản ánh những hủ tục còn tồn tại để từng bước loại bỏ..., với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào công tác tuyên truyền, chung sức thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Có thể thấy rằng, sau gần 2 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam” của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được những kết quả bước đầu ý nghĩa, thiết thực, góp phần ngày càng nâng cao uy tín các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà.
Ý kiến ()