Xây dựng môi trường lao động an toàn: Chuyện không của riêng ai
Năm 2020, toàn quốc xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động làm 8.610 người bị nạn, gây thiệt hại về vật chất gồm tiền thuốc, mai táng, đền bù tương đương 6.000 tỷ đồng; thiệt hại tài sản trên 3.800 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, hội nhập kinh tế đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, qua đó thu hút số lượng lớn công nhân, thời gian làm việc của người lao động cũng tăng.
Cùng với việc nâng cao năng lực, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, nâng cao nhận thức về an toàn lao động và các biện pháp bảo hộ trong sản xuất được cả xã hội quan tâm, là sự trăn trở của nhiều người lao động, doanh nghiệp và cả các cấp, ngành.
Công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua diễn biến khó lường; trong đó, tai nạn lao động xảy ra phần nhiều là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn, điều kiện làm việc không tốt.
Nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức và người lao động chưa lường trước nguy hiểm để giữ gìn an toàn cho chính bản thân mình và cộng đồng. Có thể nói, vấn đề đảm bảo an toàn lao động là vấn đề chung của toàn xã hội, chứ không còn là chuyện của riêng ai.
Tai nạn lao động – hậu quả nặng nề
Theo Sở Lao động, Thương binh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng ngừa nguy cơ tai nạn lao động trong sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên.
Các cấp ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng mức xử phạt đối với các hành vi tái vi phạm về an toàn vệ sinh lao động.
Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tai nạn đáng tiếc ngoài ý muốn vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng lao động hạn chế, gây áp lực cho cuộc sống gia đình, nhất là những trường hợp đơn chiếc, khó khăn.
Trường hợp anh Phan Văn Ngãi, từng là công nhân Công ty Cổ phần Tâm Hồng Châu, hiện trú tại ấp 2 A Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, bị tai nạn lao động gãy cột sống, vỡ xương chậu là nỗi ám ảnh lớn với anh và gia đình suốt gần 10 năm nay.
Sau thời gian dài nỗ lực điều trị, anh được xác định thương tật 74%, không còn đủ sức khỏe để tham gia lao động tại doanh nghiệp.
Anh Ngãi chia sẻ lúc đó bản thân thấy hụt hẫng, luôn tự đặt cho mình câu hỏi tại sao rồi lại ước ao có dịp quay trở lại… nhưng mọi chuyện đã rồi. Được động viên, anh vừa điều trị bệnh vừa ổn định tâm lý và bắt đầu làm những việc đơn giản để phụ giúp gia đình.
Thời gian trôi qua, anh tìm tòi, học hỏi để thay đổi công việc mới, phù hợp với điều kiện sức khỏe. Dẫu không còn là lao động chính trong nhà nhưng anh vẫn cố gắng chia sẻ phần nào gánh nặng, phấn đấu cùng gia đình xây dựng cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Tương tự, anh Phạm Tuấn Sơn ngụ tại Phường 8, Quận 3, trước đây là công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, bị tai nạn lao động do sự cố điện khiến mất 2 tay và các ngón chân với tỉ lệ thương tật 88%. Hay anh Nguyễn Ngọc Châu, công nhân Công ty Anh Việt Á cũng bị tai nạn lao động do máy cuốn gây ra, khiến thương tật 53%.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, trong khi đang vận hành máy tại Xí nghiệp quân dụng nhựa cao su Quận 1 cũng bị tai nạn lao động ngoài ý muốn khiến bị thương tật ở cánh tay trái với tỷ lệ 61%.
Mỗi người là một câu chuyện đau lòng mà không ai muốn nhớ lại phút giây kinh hoàng đó. Mọi hỗ trợ về vật chất, đến tinh thần cho họ sau đó đều không thể bù đắp lại được.
Người bị tai nạn lao động hầu hết đều trải qua giai đoạn trầm cảm, đau đớn không chỉ vì thân xác mà luôn dằn vặt, trăn trở tự đấu tranh trong suy nghĩ của mình là “người tàn tật, là gánh nặng cho gia đình cho xã hội.” Song, nhờ vào những người thân, gần gũi chăm sóc, nhờ sự quan tâm động viên tận tình từ các đơn vị, tổ chức Công đoàn đã tạo động lực giúp người bị tai nạn lao động vượt qua khó khăn, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên tinh thần “tàn nhưng không phế.”
Tuy không còn cơ hội để khắc phục những thiếu sót trong lao động, song anh Tuấn Sơn, Ngọc Châu hay chị Kim Chi đều cho rằng người lao động cần thật sự cẩn trọng mỗi ngày kể từ khi bắt đầu vào làm việc để sau đó được về nhà an toàn cùng với gia đình.
Với doanh nghiệp, các anh chị cũng khuyến nghị cần tăng cường các biện pháp kiểm tra thường xuyên, đánh giá đúng mức, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động được thực hiện đúng quy trình, đi vào thực chất, phù hợp với thực tiễn từng cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức, hiểu đúng, hiểu rõ an toàn vệ sinh lao động là chuyện không của riêng ai.
Trang bị kỹ năng an toàn
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động làm 8.610 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) gây thiệt hại về vật chất gồm chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương… tương đương 6.000 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản trên 3,800 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 150.300 ngày.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Nghệ An.
Một công nhân tử vong khi đang thi công tại công trình chưa được cấp phép xây dựng Nhà máy tinh luyện đường RE thuộc Nhà máy đường An Khê, thị xã An Khê (Gia Lai). (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Về nguyên nhân gây tai nạn, do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 23,85% tổng số vụ. Về phía người sử dụng lao động để xảy ra tai nạn lao động chết người chiếm 44,97% tổng số vụ, chủ yếu là do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động.
Thực tế cho thấy, tai nạn lao động phần lớn đều xuất phát từ công tác đào tạo huấn luyện, nhận thức chưa đầy đủ về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động.
Doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động thường vi phạm “ba không” gồm không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; không có thiết bị bảo đảm an toàn.
Ở một số lĩnh vực ngành nghề, nhất là khu vực lao động tự do, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động thường bị xem nhẹ, né tránh vì nếu thực hiện đầy đủ thì chi phí sẽ tăng hoặc chỉ thực hiện mang tính đối phó. Một số người lao động vẫn chưa ý thức cao trong việc giữ gìn an toàn cho mình và cộng đồng.
Theo các chuyên gia, an toàn vệ sinh lao động là công tác bắt buộc mà các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất phải tuân thủ và áp dụng để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Công tác an toàn vệ sinh lao động là những phương pháp quản lý mối nguy và rủi ro bao gồm những nhóm giải pháp như loại bỏ, thay thế, biện pháp kỹ thuật, biện pháp hành chính, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE).
Như vậy, việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp mà bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào cũng phải áp dụng. Cũng cần hiểu, phương tiện bảo vệ cá nhân được áp dụng khi không thể áp dụng các giải pháp trước đó và các phương tiện này chỉ bảo vệ những người sử dụng chứ không có tác dụng bảo vệ tất cả người lao động.
Đại diện Trung tâm Kiểm định 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo vệ hoàn toàn được người lao động, chẳng hạn như đeo khẩu trang carbon khi làm việc với hóa chất chỉ ngăn ngừa 80-90% hóa chất lây nhiễm vào cơ thể chứ không ngăn ngừa hoàn toàn.
“Ngoài ra, trong quá trình sử dụng nhiều, phương tiện bảo vệ cá nhân sẽ phát sinh thành rác thải đặc biệt, nhất là những doanh nghiệp, nhà máy, công ty có số lượng người lao động lớn thải ra các vật dụng bảo hộ lao động như bao tay, khẩu trang,” đại diện Trung tâm chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng – thành viên Ban an toàn Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho rằng, ngoài việc trang bị đầy đủ các trang phục và thiết bị bảo hộ lao động cá nhân như quần áo, mũ, kính, giày, găng tay bảo hộ… người lao động cần thực hiện đúng những chỉ dẫn, quy định về an toàn khi sử dụng các dụng cụ, máy móc trong nhà xưởng hoặc nơi làm việc.
Ông Nguyễn Văn Hùng khuyến nghị trong nhà máy, công xưởng cần trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, sắp xếp, dọn dẹp khu vực làm việc thường xuyên để đảm bảo gọn gàng, thoáng đãng; không để các dụng cụ, nguyên liệu dễ cháy ở gần những nơi có thể phát sinh ra lửa; các nguồn điện và dây dẫn cần đặt ở nơi cao ráo và tuân thủ các quy tắc an toàn điện; có lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn cho người lao động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Mới đây, Nghị định số 58/2020/NĐ-CP quy định lại mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, hiệu quả cho người lao động.
Nghị định cũng quy định mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức đóng bình thường nếu doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động trong 3 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện tốt đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn giúp người lao động được hưởng trợ cấp đầy đủ theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, giúp bù đắp một phần tổn thất cho người lao động mang tính thiết thực và hữu ích.
Với đơn vị sử dụng lao động, việc chấp hành nghiêm quy định này vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa giúp chính doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí tài chính vì phần lớn chi phí cho người chẳng may bị nạn đã được bảo hiểm chi trả.
Từ Nghị định này, các chuyên an toàn lao động và nhiều doanh nghiệp đồng tình và cho rằng, việc đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đầy đủ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()