Xây dựng môi trường du lịch an toàn
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách, đặc biệt ở thị trường trong nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong bốn ngày nghỉ lễ vừa qua, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách trong nước, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú; tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Ở thị trường quốc tế, một số địa phương là trọng điểm du lịch cũng đón được lượng khách nước ngoài tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy du khách đã bước đầu vượt qua tâm lý e dè, lo ngại về dịch bệnh để tham gia các hoạt động du lịch; đồng thời cũng báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam sau thời gian dài “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu vui, ngay trong giai đoạn khởi động lại, cũng xuất hiện một vài vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và hình ảnh du lịch Việt Nam. Đó là việc du khách tố bị “chặt chém”, hét giá khi sử dụng dịch vụ liên quan ở một số cơ sở.
Gần đây nhất là vụ việc hai khách du lịch nữ người Nga bị lái xe ta-xi chiếm đoạt điện thoại chứa nhiều thông tin cá nhân quan trọng khi thuê dịch vụ di chuyển ở phố cổ Hà Nội. Rất may, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời và trách nhiệm của lực lượng chức năng đã cứu được “pha mất điểm” nghiêm trọng về hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt khách quốc tế.
Nhận được điện thoại bị mất chỉ sau vài tiếng, hai nữ du khách Nga đã bày tỏ niềm vui và biết ơn với Công an Hà Nội và chia sẻ với bạn bè về sự hỗ trợ này cũng như những trải nghiệm tuyệt vời khi đến Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, các vụ việc này cũng là sự cảnh báo cho việc cần thiết phải chấn chỉnh lại môi trường an ninh, bảo đảm an toàn cho du khách và kinh doanh khi hoạt động du lịch trở lại sau hơn hai năm tê liệt vì dịch Covid-19. Trong đó, có cả những vấn đề như nguồn nhân lực du lịch đã phân tán trầm trọng, cơ sở hạ tầng du lịch xuống cấp, việc bảo đảm chất lượng dịch vụ ở nhiều nơi không tránh khỏi xộc xệch.
Từ các vụ việc nêu trên, không ít người liên tưởng đến hàng loạt sự vụ đáng tiếc đã từng xảy ra khiến du lịch Việt Nam mang tiếng. Ấy là khi du khách nước ngoài phản ánh phải chi hàng triệu đồng cho một chuyến xích lô tham quan phố cổ; thậm chí bị trả lại bằng tiền âm phủ bởi lái xe ta-xi; hay phải trải qua hành trình chẳng khác gì ác mộng trên chiếc tàu “rác” với chuột bọ, bánh mì mốc, thiết bị vệ sinh hư hỏng…
Tất nhiên, đây chỉ là những vụ việc gây ra bởi một bộ phận rất nhỏ những người làm dịch vụ du lịch. Song, cách làm ăn chộp giật, sai phạm như trên chẳng khác gì những “con sâu làm rầu nồi canh”, không chỉ làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn tác động tiêu cực tới thương hiệu du lịch quốc gia.
Trải qua đại dịch, nhiều đơn vị, cá nhân hoạt động du lịch đã kiệt quệ về nguồn lực. Tâm lý muốn kiếm lời nhanh chóng rất có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến cách làm liều, làm ẩu. Nếu không có sự chỉnh đốn thường xuyên và kịp thời, rất có thể sẽ lại xuất hiện những vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến nỗ lực quảng bá, xúc tiến điểm đến của các địa phương, doanh nghiệp và toàn ngành du lịch.
Trên thực tế, thời gian qua, ngay khi nắm được thông tin các vụ việc, lực lượng chức năng đều lập tức vào cuộc điều tra, xác minh và giải quyết rất nhanh, phần lớn bảo đảm được quyền lợi và sự an tâm, hài lòng của du khách. Cách xử lý quyết liệt với quyết tâm cao, đi kèm những chế tài đủ sức răn đe sẽ là giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi những hành vi sai phạm trong hoạt động du lịch.
Mặc dù vậy, để xây dựng môi trường du lịch lành mạnh gắn với sự phát triển bền vững, quan trọng nhất vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thay đổi tư duy làm ăn kiểu ngắn hạn, ăn xổi vẫn đang tồn tại ở một bộ phận những người hoạt động du lịch và cung ứng dịch vụ liên quan trong cộng đồng. Các chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 đã đẩy “ngành công nghiệp không khói” vào cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có, nhưng cũng mở ra cơ hội bứt phá mới bởi sau đại dịch, du lịch các nước đều ở vạch xuất phát như nhau.
Thành công sẽ thuộc về những quốc gia có sự chuẩn bị tốt và xuất phát tốt. Du lịch Việt Nam có đón đầu được thời cơ, tranh thủ được những điều kiện thuận lợi để nhanh chóng phục hồi và bứt tốc hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chung của cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp du lịch và cả cộng đồng trong xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, thân thiện.
Ý kiến ()