Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới: Hiệu quả từ nguồn vốn khuyến công quốc gia
(LSO) – Những năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới. Qua đó, nâng cao năng lực sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Măng, Trưởng Phòng Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới là một trong những chương trình trọng tâm của hoạt động khuyến công, vì vậy, trước khi thực hiện mô hình, chúng tôi đều phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn kỹ lưỡng đối tượng thụ hưởng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Việt Bắc vận hành dây chuyền sản xuất bản lề cửa
Theo đó, những mô hình được lựa chọn là những mô hình đầu tư sản xuất sản phẩm mới hoặc công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn huyện, tỉnh và có tính thực tiễn và tính khả thi cao. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, mô hình còn đem lại hiệu quả đối với xã hội như: tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Năm 2017, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 500 triệu đồng và vốn đối ứng hơn 5 tỷ đồng, Công ty TNHH Minh Chí, thôn Pò Lọi, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình đã thực hiện thành công mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung với dây chuyền sản xuất tự động hóa.
Ông Vi Văn Chí, Giám đốc công ty cho biết: Nhờ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, công ty đã giải quyết được những khó khăn ban đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm, công ty sản xuất hơn 3 triệu viên gạch, đem lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Cùng đó, tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức lương trung bình đạt 5,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, năm 2020, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Việt Bắc (lô M7, cụm công nghiệp địa phương số 2, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) được hỗ trợ 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bản lề cửa. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ mới và cũng là sản phẩm mới, vượt trội hơn về năng suất, chất lượng sản phẩm so với các mẫu cũ. Được biết, đây cũng là dây chuyền sản xuất bản lề cửa đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ông Hoàng Thế Cường, Giám đốc công ty cho biết: Từ tháng 9/2020, công ty bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất bản lề cửa. Đến nay, trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất trên 30.000 sản phẩm các loại. Hiện nay, công ty có hơn 100 đại lý tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh từ miền Bắc đến miền Nam và tạo việc làm cho 35 lao động với mức lương 8 triệu đồng/ người/ tháng.
Theo số liệu từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, giai đoạn 2017 – 2020, tổng nguồn vốn tham gia thực hiện mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới là 23,7 tỷ đồng, thực hiện 3 đề án. Trong đó, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, kinh phí thu hút từ các doanh nghiệp 22,2 tỷ đồng. Trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách Nhà nước thu hút được 14,8 đồng vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp đã đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 70 lao động tại địa phương.
Ông Đặng Tuấn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn về việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Cùng đó, trung tâm tiếp tục rà soát, tìm kiếm những mô hình mới để hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật. Từ đó, khuyến khích phát triển ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Ý kiến ()